Trong sản xuất lương thực, xã luôn chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đưa nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy. Đặc biệt, thực hiện đề án sản xuất lúa cao sản, lúa chất lượng cao của tỉnh, xã đã đưa vào khảo nghiệm những giống lúa có năng suất, chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Năm 2011, năng suất lúa đạt 120,4 tạ/ha/năm, tăng gần 20 tạ so với năm 2005.
Sản xuất vụ đông đã và đang phát triển mạnh, trở thành vụ sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người nông dân. Truyền thống trồng cây vụ đông được nông dân thực hiện theo phương châm: Sáng lúa, chiều ngô, đậu, rau. Để đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất hàng hóa, xã Khánh An đã mạnh dạn đưa vào thâm canh nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao như: dưa chuột, dưa bao tử...
Trong chăn nuôi, xã tiếp tục chỉ đạo và vận động nhân dân tập trung vốn đầu tư phát triển đa dạng các loại con nuôi. Toàn xã có trên 50 hộ chăn nuôi có quy mô gia trại, trang trại với những con nuôi mới có giá trị kinh tế cao như: chim trĩ, dúi... Một trong những hộ tiên phong trong việc chuyển đổi con nuôi có hiệu quả là hộ ông Phạm Đình Quyên, thôn Phú Thượng, ông đã xây dựng mô hình chăn nuôi chim trĩ kết hợp với nuôi lợn thương phẩm. Hiện nay gia đình ông Quyên có hơn 70 con chim trĩ bố mẹ và gần 10 con lợn thương phẩm, ước tính cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Ngoài việc đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi thì vấn đề phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được xã và các hộ gia đình chú trọng, chủ động tiêm phòng, tích cực vệ sinh, khử trùng chuồng trại, góp phần quan trọng đưa chăn nuôi phát triển ổn định trong các năm gần đây. Bên cạnh đó, xã đã khai thác tốt diện tích mặt nước, ao hồ nuôi trồng thủy sản… đưa tổng thu nhập của ngành chăn nuôi năm 2011 đạt trên 21 tỷ đồng, tăng trên 17% so với năm 2010.
Những năm gần đây, ở xã đã xuất hiện thêm nghề trồng nấm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và góp phần phát triển kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn do rơm rạ gây ra. Hiện nay, toàn xã có 100 hộ tham gia trồng nấm, nhiều hộ có mô hình trồng nấm lên tới hàng nghìn m2 với nhiều loại nấm (nấm mỡ, nấm sò, nấm rơm, linh chi, mộc nhĩ), cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Quang, thôn Yên Cống có diện tích khoảng 3.000 m2, mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 5-7 lao động tại địa phương.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với việc đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất đã đưa kinh tế nông nghiệp của Khánh An phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và đạt được nhiều kết quả quan trọng: Năm 2011, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp tăng trưởng trên 21%; sản lượng lương thực quy ra thóc cả năm đạt trên 4.000 tấn; đời sống của nhân dân được nâng lên, bình quân thu nhập trên 1ha đất canh tác đạt 78,7 triệu đồng/năm...
Bài, ảnh: Hồng Giang