Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.227 cơ sở sản xuất VLXD với 14.590 lao động. Trong đó có 77 công ty, doanh nghiệp với gần 11.213 lao động. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất VLXD của tỉnh đã và đang được sắp xếp về tổ chức và sản xuất, thực hiện đổi mới thiết bị, đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra sản phẩm có chất lượng phù hợp với giá cả thị trường và từng bước đưa ngành sản xuất VLXD trở thành ngành mũi nhọn; trong đó sản xuất xi măng, thép cán, gạch nung là những sản phẩm chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Ngành công nghiệp sản xuất VLXD là ngành có năng suất lao động cao nhất trong các nhóm ngành công nghiệp của tỉnh, với mức tăng trưởng 27,2%/năm trong giai đoạn 2006-2010.
Hiện tại, Ninh Bình là địa phương có sản lượng xi măng lớn nhất cả nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 nhà máy sản xuất xi măng lớn, có công nghệ tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu chất lượng của khách hàng và tính cạnh tranh ngày càng cao của doanh nghiệp, với tổng công suất thiết kế 11,86 triệu tấn/năm, như: Nhà máy xi măng Tam Điệp (công suất 1,4 triệu tấn/năm); Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng (công suất 3,6 triệu tấn/năm); Nhà máy xi măng The Vissai (công suất 2,7 triệu tấn/năm); Nhà máy xi măng Hướng Dương (công suất 1,8 triệu tấn/năm); Nhà máy xi măng Duyên Hà (công suất 2,36 triệu tấn/năm).
Trên địa bàn huyện Nho Quan đã quy hoạch Nhà máy xi măng Phú Sơn với công suất 1,2 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 2.180 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, dự án chậm tiến độ xây dựng và chưa đi vào sản xuất. Ngoài ra, còn 2 cơ sở sản xuất xi măng nhỏ là Nhà máy xi măng 207 tại Quảng Lợi có công suất 60.000 tấn/năm và Trạm nghiền xi măng VLXD Tam Điệp sử dụng clinke của các nhà máy với công suất 40.000 tấn/năm. Năm 2010, sản lượng xi măng và clinke toàn tỉnh đạt trên 5,8 triệu tấn gấp 5,0 lần mức sản lượng năm 2005 và đạt giá trị sản xuất 4.374 tỷ đồng, chiếm 97,5% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành sản xuất VLXD và bằng 50,5% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp tỉnh trong năm 2010. Năm 2011, sản lượng xi măng của tỉnh đạt 8,84 triệu tấn, tăng 51,6% so với năm 2010.
Ninh Bình hiện có 26 cơ sở sản xuất gạch các loại với tổng công suất thiết kế của các cơ sở này hiện đạt 670 - 720 triệu viên/năm và thu hút 4.600 lao động. Các cơ sở sản xuất gạch tuynel chiếm giá trị lớn trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh như: Nhà máy gạch Gia Tường (huyện Nho Quan),Đại Sơn (thị xã Tam Điệp), Sông Chanh (huyện Hoa Lư), Yên Từ (huyện Yên Mô); Kim Chính (Kim Sơn), Khánh An (Yên Khánh), Gia Thanh (Gia Viễn)... Sản lượng gạch các loại của các cơ sở trên địa bàn tỉnh hàng năm đạt khoảng 450 - 500 triệu viên, bằng 62,2% công suất thiết kế và giá trị sản xuất đạt khoảng 70 - 80 tỷ đồng/năm.
Hiện toàn tỉnh có 51/65 mỏ đá xây dựng được cấp phép và đang trình cấp phép khai thác làm vật liệu xây dựng với diện tích trên 326 ha, tổng trữ lượng 149,2 triệu m3. Tổng công suất khai thác của 51 mỏ hiện đạt khoảng gần 3,89 m3/năm. Năm 2010, sản lượng đá khai thác toàn tỉnh đạt 6,72 triệu tấn, gấp 3,6 lần năm 2005.
Ngoài các cơ sở sản xuất xi măng, gạch các loại, trên địa bàn tỉnh còn một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng như: Xí nghiệp sản xuất cột điện (Công ty TNHH MTV Điện lực) sản xuất cột điện ly tâm và cột chữ H với công suất 45.000 cột/năm; dự án Nhà máy kính Tràng An tại Khu công nghiệp Khánh Phú (huyện Yên Khánh) công suất 300 tấn/ngày; dây chuyền sản xuất sản phẩm cột điện, ống cống (Công ty cổ phần Bê tông-thép Ninh Bình) công suất 6.000 sản phẩm/năm và 15.000 cột/năm; Nhà máy Fibro xi măng (Công ty Foton) công suất 3 triệu m2/năm… Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp ngành sản xuất VLXD của tỉnh đạt 7.274 tỷ đồng, tăng 62,2% so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 38,3%/năm. Tỷ trọng của ngành sản xuất VLXD năm 2011 chiếm tới 56% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ngành sản xuất VLXD trên cơ sở tài nguyên sẵn có tại địa phương, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Phát triển đa dạng các chủng loại VLXD. Lựa chọn quy mô đầu tư hợp lý. Tranh thủ các cơ hội để đầu tư công nghệ và thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh. Tập trung phát triển sản phẩm xi măng, vật liệu xây không nung, vật liệu trang trí… Khuyến khích phát triển một số chủng loại VLXD mới, công nghệ cao phục vụ cho xây dựng đô thị, khu, cụm công nghiệp như bê tông siêu nhẹ, bê tông khí trưng áp, vữa khô trộn sẵn. Quan tâm phát triển một số sản phẩm VLXD giá thành thấp phục vụ phát triển nông thôn như vật liệu xây, lợp nhà, vật liệu xây dựng đường sá, kênh mương, thủy lợi...
Phấn đấu đến năm 2015, năng lực sản xuất xi măng của tỉnh đạt 11,86 triệu tấn và đến năm 2020 năng lực sản xuất xi măng toàn tỉnh đạt mức trên 13 triệu tấn... nâng giá trị sản xuất công nghiệp VLXD đến năm 2015 lên 9.749 tỷ đồng, chiếm 49,9% tỷ trọng công nghiệp toàn tỉnh và đến năm 2020 giá trị đạt 16.062 tỷ đồng, chiếm 46,5%. Tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011-2015 là 16,8%/năm và giai đoạn 2016-2020 là 10,5%/năm, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp với tốc độ cao, ổn định và bền vững.
Thanh Chiên