Chưa đạt tiến độ đề ra
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn qua tỉnh Ninh Bình có chiều dài 14,35 km đi qua địa bàn các huyện Yên Mô, Hoa Lư và thành phố Tam Điệp. Điểm đầu thuộc địa phận xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, điểm cuối của dự án thuộc địa phận xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp. Để triển khai xây dựng tuyến đường này, hơn 146 ha đất sẽ phải thu hồi với 15 tổ chức, 765 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, cũng có 160 mồ mả và nhiều cột điện hạ thế, trung thế, đường ống nước, dây cáp quang phải di chuyển.
Thời gian qua, các địa phương nơi dự án đi qua đã tích cực vào cuộc, huy động cả hệ thống chính trị để triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể: đến ngày 12/3, các địa phương đã triển khai kê khai, kiểm đếm về đất đai, tài sản được 733/781 hộ dân (139,34/146,19 ha), đạt 95%. Trong đó, huyện Yên Mô và thành phố Tam Điệp đạt 100%, riêng huyện Hoa Lư mới kê khai, kiểm đếm được 76/124 hộ dân.
Ngoài ra, các địa phương cũng đã và đang lập, công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đặc biệt, một số địa phương đã bắt đầu chi trả tiền bồi thường GPMB cho các hộ dân, tổ chức, chủ yếu là phần đất nông nghiệp. Cụ thể như: huyện Yên Mô, huyện Hoa Lư. Việc di chuyển hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư cũng đang được các huyện, thành phố gấp rút triển khai.
Tuy vậy tiến độ GPMB hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu. Theo kế hoạch, các địa phương sẽ phải bàn giao đất nông nghiệp trước ngày 31/12/2019 và hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trong quý II/2020 để triển khai thi công Dự án. Nhưng đến nay, như huyện Hoa Lư, mới chỉ trả tiền bồi thường GPMB cho các tổ chức, phần đất 5% do xã quản lý (tương đương với 0,9/1,6 km), còn thành phố Tam Điệp công tác giải ngân chủ yếu cho việc di chuyển hạ tầng kỹ thuật mà chưa bàn giao được mặt bằng.
Còn nhiều vướng mắc
Tại cuộc họp mới đây giữa UBND tỉnh với các sở, ngành, địa phương liên quan đến công tác GPMB phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đại diện lãnh đạo huyện Yên Mô cho biết: toàn bộ phương án GPMB phải áp giá lại do cập nhật Quyết định số 47 của UBND tỉnh ban hành đơn giá xây dựng công trình phần nhà cửa, vật kiến trúc và nội thất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (bổ sung phần chênh lệch khoảng 88 triệu đồng).
Ngoài ra, có việc phát sinh 3 hộ có liên quan đến mồ mả, hoa màu canh tác trên đất đấu thầu. Một khó khăn khác là trong điều chỉnh quy hoạch kế hoạch sử dụng đất huyện Yên Mô hiện đang thiếu 2,74 ha đang phải chờ điều chỉnh từ các địa phương khác về (gồm đất nghĩa địa, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất sản xuất vật liệu xây dựng và đất núi đá).
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: trên địa bàn huyện có 18/40 hộ dân bị thu hồi diện tích đất ở lớn (từ 300-800 m2), đây hầu hết là những diện tích mà người dân đã mua thông qua đấu giá giá trị quyền sử dụng đất, do vậy các hộ chưa đồng tình với việc nhận lô đất tái định cư mới mà theo quy định của Nhà nước, diện tích lớn nhất chỉ có 250 m2. Các hộ đề nghị tái định cư theo hình thức đất đổi đất.
Còn với thành phố Tam Điệp, địa phương có khối lượng GPMB lớn nhất, ông Dương Đức Đằng, Chủ tịch UBND thành phố cho hay: trong phạm vi thu hồi đất, GPMB có 3 dự án khai thác mỏ, đây là việc chưa có tiền lệ và thành phố gặp nhiều khó khăn trong việc xác định được giá trị, trữ lượng còn lại của mỏ và rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, một số hộ sau khi thu hồi đất có diện tích đất nông nghiệp bị chia cắt, một số mảnh ruộng có kích thước nhỏ không phù hợp để canh tác nên các hộ đề nghị Nhà nước thu hồi nốt những diện tích này.
Khẩn trương, quyết liệt hơn nữa
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, mới đây Thường trực Chính phủ đã nhất trí sẽ trình Quốc hội quyết định đưa 3 dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc - Nam đang triển khai theo hình thức PPP vào danh mục đầu tư công để khởi công trong tháng 8 năm 2020, trong đó có đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.
"Thời gian không còn nhiều, do vậy, các địa phương phải khẩn trương, quyết liệt hơn nữa. Chỗ nào khó khăn, vướng mắc phải ưu tiên giải quyết ngay, giải quyết trước để có mặt bằng tổng thể bàn giao cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công trong thời gian sớm nhất"- đó là yêu cầu của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Thạch trong cuộc họp với các ngành, địa phương bàn về công tác GPMB của dự án này.
Theo đó, lãnh đạo 3 huyện, thành phố có dự án đi qua tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công trình này để vận động nhân dân sớm nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư; phối hợp với các sở, ngành có liên quan hoàn thành các thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn; tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở. Quá trình triển khai thực hiện phải đảm bảo tính pháp lý, hồ sơ thủ tục và tiến độ.
Được biết, theo dự kiến huyện Yên Mô sẽ bàn giao mặt bằng phần diện tích đất nông nghiệp cho chủ đầu tư trong quý I/2020. Huyện Hoa Lư đang thực hiện công khai phương án 76 hộ dân có đất nông nghiệp và xin ý kiến các hộ dân để thực hiện thu hồi đất trước thời hạn.
Riêng với phần đất thổ cư, huyện dự kiến ban hành thông báo thu hồi đất, kiểm đếm vật tài sản vật kiến trúc của 42 hộ dân xong trong quý IV/2020; bố trí tái định cư cho các hộ dân tại khu Đồng Bề trong quý III/2020. Với thành phố Tam Điệp, sẽ tập trung giải đáp các ý kiến, kiến nghị, tuyên truyền, vận động đối với các hộ dân chưa đồng thuận thuộc 174 hộ đã công khai phương án để hoàn chỉnh phương án GPMB và sớm chi trả tiền đền bù GPMB.
Hà Phương