Mưa to đã làm cho trên 2.457 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, trong đó diện tích ngập 2/3 cây là 2.000 ha, ngập phất phơ 308 ha, ngập trắng 144 ha và 72,5 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Một số công trình thủy lợi như: Tuyến đê Bến Đang thuộc địa phận Phường Tân Bình (thị xã Tam Điệp) bị tràn; đập tràn hồ 3 Yên Quang, đường Bái Đính - Cúc Phương và đê bối (Nho Quan) bị sạt lở; tuyến đê tách nước núi xã Ninh Vân (Hoa Lư) bị tràn…
Trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ đền Dâu đến Nhà máy xi măng Hướng Dương (Thị xã Tam Điệp) nước tràn qua mặt đường 0,5 m và trên quốc lộ 12B đoạn từ cầu Vĩnh Khương đến giáp ranh giữa thị xã Tam Điệp và huyện Nho Quan mực nước cao hơn mặt đường 0,4 m, gây ách tắc giao thông. Cũng do ảnh hưởng của mưa to, kèm theo dông lốc đã làm 132 nhà dân của huyện Yên Khánh, Hoa Lư bị tốc mái…
Trước tình hình trên, các địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống mưa úng, khắc phục thiệt hại do dông lốc gây ra và huy động lực lượng, phương tiện, vật tư xử lý kịp thời các sự cố công trình thủy lợi. Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã vận hành 44 cống dưới đê và 63 trạm bơm với 258 máy bơm các loại để tiêu úng.
Tại huyện Nho Quan, mưa lớn trên diện rộng làm gần 291 ha lúa của các xã bị ngập úng, Do mưa to đã làm đập tràn hồ 3 Yên Quang bị sói lở 150 m3 đá xây, đường Bái Đính - Cúc Phương bị sói lở 100 m3 đá lát mái, đê bối sạt lở, vỡ do tràn là 1.150 m3 đất. Huyện Nho Quan đã huy động 16 trạm bơm với 62 máy bơm các loại và 20 máy bơm dầu với tổng công suất là 186.000 m3/h để hoạt động chống úng bảo vệ lúa và hoa màu. Tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị huy động lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời sạt lở các công trình giao thông, thủy lợi.
Huyện Gia Viễn cũng có 275 ha lúa bị ngập úng 2/3 cây, huyện đã vận hành 19 trạm bơm với 75 máy bơm các loại để bơm tiêu úng bảo vệ lúa mùa. Cũng do mưa to, nước sông Rịa lên cao, làm cho nhà của 20 hộ ở thôn Phong Tĩnh, xã Gia Phong bị ngập nước. Lũ sông Hoàng Long lên cao làm cho 310 hộ với 2.500 khẩu của thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh bị ngập nước; trong đó có 60 hộ ngập sâu 1m, Trường Tiểu học B xã Gia Thịnh tầng 1 bị ngập 0,5 m. Để chủ động đối phó với mưa lũ, huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng ngập lụt…
Tại thị xã Tam Điệp, lượng mưa đo được là 305 mm. Do ảnh hưởng của mưa lũ đã làm 36 ha lúa bị ngập úng; nhiều ao cá của người dân xã Đông Sơn bị ngập, mất trắng... Trên Quốc lộ 1A đoạn từ đền Dâu đến Nhà máy xi măng Hướng Dương nước tràn qua mặt đường cao 0,5 m gây ách tắc giao thông khoảng 2 km và kéo dài từ 14h - 17h ngày 6-9; trên Quốc lộ 12B đoạn từ cầu Vĩnh Khương đến giáp ranh giữa thị xã Tam Điệp và huyện Nho Quan, mực nước cao hơn mặt đường 0,4 m đã gây ách tắc giao thông. Một số khu dân cư trên địa bàn thị xã bị ngập úng, có điểm ngập sâu từ 0,4- 0,7 mét. Đặc biệt là vào hồi 15h ngày 6-9, xe ô tô 7 chỗ biển kiểm soát 31A-6811 đi qua đập tràn thôn Hang Nước, xã Quang Sơn đã bị lũ cuốn trôi. Trong số 4 người đi trên xe, có 1 người tử vong do mắc kẹt trong xe khi bị lũ cuốn. Sau khi xảy ra tai nạn, UBND thị xã đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật và đã hỗ trợ kịp thời cho gia đình bị nạn với số tiền là 3 triệu đồng…
Thị xã Tam Điệp đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, phường triển khai làm tốt công tác phòng, chống lụt bão, thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ tại các khu vực để có biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả.
Tại huyện Yên Khánh, từ ngày 1 đến 7-9, trên địa bàn huyện đã có mưa vừa đến rất to, trong cơn mưa có lốc xoáy. Khoảng 14h15 ngày 6-9 một cơn lốc đi qua các xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Mậu, Khánh Hội, Khánh Hải đã gây ảnh hưởng, thiệt hại cho 106 hộ dân, trong đó có 64 hộ nhà ở bị tốc mái, 42 hộ bị thiệt hại nhẹ về công trình phụ và tài sản. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 148 triệu đồng, trong đó hộ thiệt hại cao nhất là 10 triệu đồng, còn lại thiệt hại từ 1- 2 triệu đồng.
Ngay sau khi nhận được thông tin, huyện đã phân công lãnh đạo huyện và các phòng chuyên môn có liên quan xuống ngay địa bàn chỉ đạo khắc phục hậu quả. Các xã đã chỉ đạo các đoàn thể, Ban công tác Mặt trận thôn, xóm xuống địa bàn trực tiếp động viên và cùng các hộ bị thiệt hại khắc phục hậu quả. Đến 7h ngày 7-9 đã cơ bản khắc phục xong. Huyện đã giao cho các phòng chuyên môn chỉ đạo các xã đánh giá mức độ thiệt hại và hoàn cảnh các hộ để có chính sách hỗ trợ phù hợp. UBND các xã đã trích ngân sách hỗ trợ cho các hộ thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo. Huyện đã kịp thời trích kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo với tổng số tiền là 16 triệu đồng (4 hộ với mức hỗ trợ 2 triệu đồng, 8 hộ với mức hỗ trợ 1 triệu đồng) để khắc phục hậu quả thiệt hại do cơn lốc gây ra.
Thanh Chiên