Mục tiêu của dự án nhằm khai thác nguồn nguyên liệu đá vôi sẵn có để sản xuất các sản phẩm kính tấm xây dựng chất lượng cao phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước và đáp ứng 1 phần xuất khẩu; cân đối lại cơ cấu cung-cầu giữa 3 miền, giảm chi phí vận chuyển sản phẩm. Dự án cũng nhằm thực hiện chiến lược đưa ngành công nghiệp sản xuất kính xây dựng Việt Nam phát triển mạnh, đủ sức cạnh tranh với các Tập đoàn sản xuất, kinh doanh kính xây dựng khác trong và ngoài khu vực, đưa ngành kính Việt Nam lên một tầm cao mới. Đồng thời Nhà máy khi đi vào sản xuất sẽ tạo việc làm ổn định cho khoảng 1 nghìn công nhân và hàng năm sẽ đóng góp 1 phần không nhỏ vào ngân sách của địa phương.
Theo ông Đỗ Tấn Việt, Giám đốc Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng, chất lượng cao CFG Ninh Bình (Tập đoàn INDEVCO), công nghệ sản xuất của Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng, chất lượng cao CFG được áp dụng công nghệ kính nổi (Float Glass) - là công nghệ sản xuất kính tấm tiên tiến nhất hiện nay được phát minh bởi Tập đoàn Pikington của Anh. Theo đó, sản phẩm của Nhà máy bao gồm: Kính trắng trong suốt không màu, kính màu, kính mạ phản quang và kính mạ Low-E tiết kiệm năng lượng trực tuyến trên dây chuyền, kính dán an toàn… Đặc biệt nhà máy đủ khả năng đáp ứng cho nhu cầu sản xuất kính tráng gương chất lượng cao, kính chắn gió ô tô mà hiện nay đang phải nhập khẩu. Ngoài ra, dự án còn sản xuất kính mạ phản quang được thực hiện online trực tiếp trên dây chuyền phục vụ mục đích tiết kiệm năng lượng lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam.
Sản phẩm kính của Nhà máy có chiều dày từ 2mm đến 19 mm, quy cách sản phẩm lớn nhất có thể đạt đến 4.200 x 9.000 mm. Toàn bộ sản phẩm của nhà máy đạt tiêu chuẩn châu Âu EN 572-2:2012 và tiêu chuẩn Nhật Bản JISR 3202-2015. áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, hệ thống quản lý môi trường ISO: 14000 là hệ thống dây chuyền thiết bị áp dụng công nghệ sản xuất kính nổi tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay trên thế giới. Tuổi thọ của lò nấu được thiết kế có chu kỳ trên 15 năm, toàn bộ sản phẩm đầu ra được kiểm soát bằng hệ thống kiểm soát chất lượng tự động của hãng ISRA - Đức. Toàn bộ sản phẩm được đóng gói bằng hệ thống robot của hãng KuKa - Đức. Nguồn nhiệt từ khí thải của Nhà máy được tận dụng để sinh hơi phát điện tạo ra nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo quay trở lại phục vụ sản xuất của Nhà máy theo công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay và thân thiện với môi trường.
Cũng theo ông Giám đốc Nhà máy Đỗ Tấn Việt, quan điểm sản xuất của Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng, chất lượng cao CFG là sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tuyệt đối tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong quá trình xây dựng cũng như trong suốt thời gian vận hành của Nhà máy bằng việc sử dụng thiết bị công nghệ tiên tiến không phát sinh tiếng ồn, không khói bụi phát tán vào không khí, có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và nước mặt được thu gom về khu xử lý tập trung và chất lượng nước sau xử lý đạt loại A theo QCVN 14:2008/BTNMT để đưa về tái sử dụng. Mục tiêu xây dựng Nhà máy về kiến trúc cảnh quan là thân thiện với môi trường. Nhà máy trong công viên - công viên bao bọc Nhà máy, tạo hình ảnh về một nhà máy sáng - xanh - sạch - đẹp.
Được biết, sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị đầu tư, tháng 12/2016, Nhà máy chính thức được khởi công xây dựng. Trong thời gian gần 1 năm, với gần 1 triệu ngày công của hơn 100 kỹ sư Việt Nam và chuyên gia đến từ các nước Hoa Kỳ, Đức, Trung Quốc cùng với trên 1 nghìn cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn và các đơn vị thi công suốt ngày đêm, đã đưa hàng trăm nghìn m3 bê tông, hàng trăm nghìn tấn sắt thép và gần 50 nghìn tấn thiết bị từ nước ngoài về lắp đặt với tổng giá trị đầu tư trên 4 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, Nhà máy đã tuyển dụng gần 1 nghìn lao động tại địa phương, trong đó chủ yếu là huyện Yên Khánh và các huyện lân cận trong tỉnh đi học tập, lao động tại Nhà máy kính nổi Chu Lai, Trường Đại học Điện lực Việt Nam… Đến nay số lao động này đã đảm bảo tay nghề, sẵn sàng cho việc Nhà máy đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Ngày 20/10 vừa qua, Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng, chất lượng cao CFG Ninh Bình đã thực hiện đốt lửa lò nấu, theo kế hoạch, sau 25 ngày đốt sẽ đưa sản phẩm cung cấp ra thị trường. Như vậy, vào trung tuần tháng 11/2017, Nhà máy sẽ đưa vào sản xuất dây chuyền 1 và dự kiến đến ngày 30/4/2018 sẽ đưa dây chuyền 2 vào hoạt động, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, tăng nguồn thu cho tỉnh và đáp ứng yêu cầu thị trường sản phẩm kính các loại trong nước và một phần xuất khẩu.
Bài, ảnh: Hạnh Chi