Ngang nhiên sử dụng kích điện để khai thác thủy sản Sông Hoàng Long đoạn từ cầu Gián Khẩu lên tới bến đò Đập Điềm (xã Gia Trung, huyện Gia Viễn) là địa điểm hoạt động của nhiều ngư dân sống ven sông. Điều đáng nói, không ít trong số các ngư dân này đã và đang ngang nhiên sử dụng xung kích điện để tận thu các loại thủy sản trên sông. Một ngư dân tên Đào chia sẻ: "Cách đây hơn chục năm, nguồn lợi thủy sản tự nhiên còn phong phú, dân chài chúng tôi còn kiếm sống được chứ hiện nay bỏ gần hết rồi, chỉ còn gần hai chục hộ bám nghề thôi. Giờ, nếu chỉ đánh bắt bằng chài, lưới thông thường thì không thể nào trang trải nổi cuộc sống nên bắt buộc chúng tôi phải sử dụng xung kích điện". Chị Đào cho biết thêm: Lúc nước lên thì thả lưới, nước xuống thì đánh điện nhưng chủ yếu vẫn là đánh điện. Thả lưới chỉ bắt cá tạp, rô phi là chính còn đánh điện mới bắt được cá to. Hôm nào gặp may được con cá chép, cá chuối thì kiếm dăm trăm nghìn còn thông thường ngày chỉ được vài cân cá tạp, bán 20-30 nghìn/kg.
Trên sông thì như vậy còn về các vùng nội đồng cũng không khó để bắt gặp hình ảnh người dân sử dụng xung điện để đánh bắt cá. Những người đánh bắt cá bằng xung điện rất ngang nhiên không chút lén lút, nhưng chẳng mấy khi thấy ai kiểm tra, xử lý. Ngang qua cánh đồng xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn một ngày đầu tháng tư chúng tôi tiếp cận anh H. khi anh đang dùng kích điện để bắt cá. Anh H. cho biết: Ngoài việc đi phụ hồ, đêm đến hoặc sau những ngày mưa anh thường mang kích ra đồng "kiếm thêm". Theo anh H. thì đánh kích khá đơn giản, chỉ cần thọc hai cây sào xuống nước là dòng điện từ nguồn phóng theo. Trúng điện, cá tôm nhao loạn lên rồi lịm đi. Người kích chỉ việc dùng vợt hoặc dùng tay bắt. Khi được hỏi đánh bắt cá, tôm bằng xung điện có sợ sẽ bị xử phạt, anh H. cho biết: "Trên cánh đồng này, ngày nào chẳng có người đi kích điện với lại có phải mình đi thường xuyên đâu mà lo".
Đánh bắt thủy sản bằng xung điện không phải là vấn đề mới mà đã diễn ra từ hàng chục năm trước trên cả nước với những diễn biến không kém phần phức tạp. Trước thực trạng này, ngày 2/1/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/1998/CT-TTg về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất độc để khai thác thủy sản. Ngay sau đó, tỉnh Ninh Bình cũng đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 01 và tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị đến các huyện, thành phố và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh. Đồng thời, ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND các huyện, thành phố sẽ phải chủ động triển khai, tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn quản lý. Thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền đối với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chỉ đạo và giao trách nhiệm cho cấp ủy đảng, chính quyền phường, xã, các tổ chức chính trị xã hội và lực lượng công an viên thôn, xóm rà soát, thống kê các đối tượng sử dụng xung kích điện khai thác thủy sản, qua đó có biện pháp giáo dục, xử lý kịp thời. Tuy nhiên các địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này.
Tại xã Gia Trấn, nơi có 2 con sông Hoàng Long và sông Đáy đi qua với không ít hộ dân làm nghề chài lưới. Khi chúng tôi đặt vấn đề làm việc với đồng chí Chủ tịch UBND xã về việc quản lý việc sử dụng xung kích điện đánh bắt cá trên địa bàn, thì được vị lãnh đạo này giao việc trả lời cho đồng chí Phó Chủ tịch, sau đó chúng tôi lại tiếp tục bị đùn đẩy sang bộ phận địa chính, công an xã. Trao đổi với công an xã, ban đầu anh này cũng kiên quyết từ chối trả lời và nói là không quản lý, không có thông tin gì. Nhưng sau đó, chúng tôi lại khai thác được từ đồng chí công an viên rằng: Nhiều năm trước, chính quyền xã làm rất gay gắt, bắt, thu hồi, xử lý rất nhiều trường hợp sử dụng xung kích điện. Nhưng sau khi có một vài vấn đề "nhỏ nhỏ", "tế nhị" kiểu "người làng" nên không làm nữa. Và hiện nay việc bà con sử dụng xung kích điện để đánh bắt cá là phổ biến, đặc biệt trong nội đồng và vào mùa mưa, như đồng chí công an này tả thì: Đêm đến trên những cánh đồng người đi kích điện nhiều như "sao xa".
Báo động nguồn lợi thủy sản suy giảm
Bất luận vì mục đích mưu sinh hay lợi nhuận, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện dai dẳng thời gian qua đã và đang hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Việc này cần phải sớm chấm dứt và cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Sở hữu hơn 15km bờ biển, hệ thống sông ngòi dày đặc cùng những vùng đất ngập nước tự nhiên rộng lớn, Ninh Bình được coi là giàu nguồn lợi thủy, hải sản. Tuy nhiên, nguồn lợi này đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và những tác động xấu từ con người. Theo Chi cục Thủy sản, (Sở Nông nghiệp & PTNT): Dùng xung kích điện để khai thác thủy sản sẽ làm chết hầu hết các loài thủy sản, thủy sinh trong vùng nước; hủy hoại nơi sinh sống, kiếm mồi, sinh sản của các loài thủy sản… Đây là cách khai thác "tận diệt", gây tác hại lâu dài, đẩy các vùng nước thành "vùng nước chết". Hệ quả của việc đánh bắt đó phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh. Hiện tại, nguồn lợi thủy sản tỉnh ta chỉ còn ở mức trung bình và đang có chiều hướng giảm dần. Đặc biệt, một số đối tượng, giống loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao đang suy giảm nghiêm trọng như: cá quả, cá chép việt, cá chày mắt đỏ, cá trầu tiến vua, cá rô tổng trường…
Ông Trần Văn Tốt, 60 tuổi quê ở xã Gia Trung, Gia Viễn làm nghề chài lưới trên sông Hoàng Long mấy chục năm nay cho biết: Mấy năm nay nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên sông và cả các vùng nội đồng giảm mạnh. So với 5 năm trước, sản lượng cá, tôm tự nhiên giảm từ 20 - 30%; còn nếu so với khoảng 10 năm trước thì sản lượng giảm tới 50 - 70%, thậm chí có loài gần như bị tuyệt chủng. Minh chứng rõ nhất cho sự suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên là nhiều hộ sinh sống bằng nghề bắt cá, tôm trên sông giờ đã không sống nổi với nghề nữa mà đã dần chuyển sang các nghề khác như đi làm vận tải thủy, buôn bán nhỏ hoặc làm công nhân trong các khu công nghiệp.
Hiện nay, chưa có con số thống kê cụ thể và kiểm soát chặt chẽ hết số người tham gia đánh bắt thủy sản bằng xung điện là bao nhiêu dù chắc chắn số lượng là rất lớn, nhưng các trường hợp vi phạm bị phát hiện, xử lý còn rất khiêm tốn. Trong 5 năm, từ 2012-2016, Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với các địa phương tổ chức 50 chuyến kiểm tra trên 561 phương tiện khai thác thủy sản, phát hiện, xử lý 35 trường hợp vi phạm và phương tiện đánh bắt thủy sản bằng xung điện, xử phạt gần 34 triệu đồng. Theo một cán bộ ngành Thủy sản thì việc kiểm tra, xử lý các trường hợp bắt thủy sản bằng xung điện là rất khó khăn bởi lực lượng thanh tra nông nghiệp mỏng, kinh phí hoạt động không nhiều, trong khi đó các đối tượng sử dụng xung kích điện ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân là do các ngành chức năng của huyện, xã làm chưa quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp vi phạm.
Ông Trần Đức Sáng, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT kiến nghị: Muốn chấm dứt hoàn toàn tình trạng sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản thì những nỗ lực riêng lẻ của một ngành, một địa phương là chưa đủ mà cần phải có sự quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống từ công an, biên phòng, tài nguyên đến thông tin truyền thông…. Bên cạnh đó, tất cả các địa phương phải "sốc lại" công tác quản lý, đồng loạt vào cuộc để tránh tình trạng người dân ở địa bàn này sang địa bàn khác đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Chính quyền cơ sở cần thành lập tổ, đội hoặc nhóm thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương trong việc tăng cường tuyên truyền ý thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, có chính sách hỗ trợ vốn chuyển đổi ngành nghề cho các ngư dân sinh sống bằng các nghề đánh bắt thủy sản có tính hủy diệt để tạo điều kiện cho người dân sinh sống được với nghề mới.
Nguyễn Lựu