Ðồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Chu Vĩnh Khang, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp T.Ư Ðảng Cộng sản Trung Quốc dự lễ khai mạc và phát biểúy kiến chỉ đạo Hội thảo. Dự Hội thảo, có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư, các cơ quan nghiên cứu lý luận, các nhà khoa học Việt Nam và Trung Quốc và đại diện lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Ðồng.
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội thảo, đồng chí Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng, trong những năm qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Ðảng, hai nước Việt - Trung có bước phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Ðồng chí cho rằng: Nội dung hội thảo lần này là những vấn đề đang được quan tâm đặc biệt ở Việt Nam và Trung Quốc. Hai Ðảng, hai nước chú trọng phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng hiện đại; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, xây dựng nông thôn mới XHCN. Với việc chọn chủ đề "Những vấn đề lý luận và thực tiễn nông nghiệp, nông dân, nông thôn - kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc", Hội thảo lý luận lần thứ 4 giữa hai Ðảng có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai bên, góp phần không ngừng củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt". Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Chu Vĩnh Khang nhấn mạnh: Sự nghiệp CNXH của hai nước Trung - Việt đã bước vào thời kỳ then chốt xây dựng và phát triển. Trước thách thức chung, trách nhiệm chung, đòi hỏi phải học tập, tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau. Hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với hai Ðảng, hai nước Trung - Việt. Hai nước đều là nước có số dân nông thôn chiếm đa số, vấn đề tam nông từ trước đến nay luôn là một vấn đề lớn, quan trọng mà hai Ðảng hết sức quan tâm. (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo ra hôm nay).
Tiếp theo, đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội thảo trình bày báo cáo đề dẫn "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đổi mới ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn", nêu bật ý nghĩa của Hội thảo.
Ðồng chí Tô Huy Rứa khẳng định: Việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 7 của Ðảng (Khóa X) sẽ góp phần quan trọng tạo lập chính trị ổn định, đẩy nhanh kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, gắn liền với thực hiện công bằng xã hội trong từng bước, trong từng chính sách, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng thuận xã hội, củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân. Tất cả đều nhằm phục vụ lợi ích chính đáng của nông dân - lực lượng xã hội đông đảo và có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Ðây không chỉ là trách nhiệm của riêng địa bàn nông thôn và ngành nông nghiệp, của bản thân người dân mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trước hết là trách nhiệm của Ðảng và các tổ chức đảng, của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Giới lý luận và trí thức khoa học Việt Nam thông qua những đại biểu tham gia cuộc hội thảo này, đang nghiên cứu và tổng kết thực tiễn, góp phần vào nỗ lực chung của toàn Ðảng, toàn dân giải quyết thắng lợi các nhiệm vụ và mục tiêu phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Việt Nam.
Báo cáo đề dẫn do đồng chí Trác Vệ Hoa, Phó Trưởng Ban Tuyên truyền T.Ư Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Trưởng Ðoàn Trung Quốc dự Hội thảo trình bày có tiêu đề: Lý luận và thực tiễn cải cách và phát triển nông thôn Trung Quốc 30 năm qua. Báo cáo đã khái lược quá trình, nêu bật những thành tựu và kinh nghiệm của Trung Quốc trong cải cách, phát triển nông thôn. Ðồng thời, nêu lên những mục tiêu, phương hướng và giải pháp cơ bản do Hội nghị T.Ư 3 (khóa XVII) Ðảng Cộng sản Trung Quốc đề ra, mở ra cục diện mới trong cải cách, phát triển nông thôn Trung Quốc đến năm 2020.
Sau khi nghe các báo cáo đề dẫn, nhiều đại biểu Việt Nam và Trung Quốc đã trình bày tham luận, trao đổi ý kiến một cách cởi mở, chân thành chung quanh những vấn đề lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cũng như những kinh nghiệm của hai nước trong việc giải quyết vấn đề tam nông.
Theo Nhandan