Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai khá tốt công tác này, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, để công tác BHYT cho người nghèo và cận nghèo thực sự hiệu quả thì ngoài nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội, vẫn rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, các ngành hữu quan và bản thân mỗi người nghèo.
Một chủ trương hợp lòng dân
Chị Tạ Thị Thúy ở xã Yên Thái (Yên Mô) cho biết: Hai vợ chồng tôi đều làm ruộng, các con còn nhỏ, tôi lại bị mắc bệnh hẹp van tim, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Để có tiền chữa trị, vợ chồng tôi đã phải vay mượn ngân hàng, gia đình tôi là một trong những hộ nghèo của xã. Thật may, năm 2008 tôi đã được cấp thẻ BHYT dành cho người nghèo. Từ đó tôi đã đến Trung tâm y tế huyện để khám, chữa bệnh mà không phải lo trả các khoản chi phí khám, chữa bệnh. Tôi đã được các y, bác sỹ tận tình chữa trị, không phân biệt gia cảnh cũng như người có thẻ BHYT bắt buộc hay người có thẻ BHYT tự nguyện. Tôi mong ngày càng có nhiều bệnh nhân nghèo như tôi được cấp thẻ BHYT để gánh nặng bệnh tật được sẻ chia...
Còn bà Lã Thị Loan, 71 tuổi ở Yên Bình (thị xã Tam Điệp) thì phấn khởi bày tỏ: Tôi tuổi đã cao, lại đau yếu thường xuyên nên hay phải nhập viện điều trị. May mà có thẻ BHYT nếu không tôi và các con cháu không biết lấy tiền đâu để chữa trị. Cảm ơn Nhà nước đã có chính sách ưu tiên đối với những người nghèo như chúng tôi.
Trên đây là một vài ý kiến mà chúng tôi đã thu nhận được trong lần đi tìm hiểu thực tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh. Thực tế cho thấy, nhờ có chính sách này mà nhiều người nghèo đã được khám, chữa bệnh miễn phí, góp phần động viên, giúp đỡ họ vơi đi khó khăn, chiến thắng bệnh tật. Sau hơn 5 năm (2003-2009) triển khai và thực hiện đã chứng tỏ BHYT cho người nghèo là một trong những chính sách ưu việt, thể hiện sự quan tâm, sẻ chia giúp đỡ của cả cộng đồng đối với người nghèo. Chỉ tính riêng năm 2008, toàn tỉnh đã có 103.593 người nghèo được cấp thẻ BHYT với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng. Đến năm 2009, số người nghèo được cấp thẻ BHYT là 111.773 người với kinh phí trên 18 tỷ đồng.
Ông Lê Hùng Sơn, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Quyết định 139 của Chính phủ về công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, những năm qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh và chính quyền các cấp đã có nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả. Việc cấp thẻ BHYT cho người nghèo đã được các cấp, các ngành có liên quan tích cực thực hiện, đảm bảo mục đích, yêu cầu. Qua đó, tạo điều kiện cho người nghèo yên tâm khám, chữa bệnh và được hưởng quyền lợi như người có thẻ BHYT bắt buộc. Trong năm 2008, toàn tỉnh đã có 182.730 lượt người nghèo được khám, chữa bệnh với tổng chi phí gần 16,5 tỷ đồng. Ngoài ra, có trên 1.200 lượt người nghèo khám, chữa bệnh tuyến ngoài tỉnh với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Hàng năm, chi phí khám, chữa bệnh thường vượt so với tổng thu (năm 2008, chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo bội chi tới 1 tỷ 263 triệu đồng).
Một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi là mức phí của người nghèo thấp hơn so với các đối tượng khác. Năm 2003, người nghèo chỉ đóng 50.000 đồng/người/năm, đến năm 2007 là 80.000 đồng và đến năm 2008 là 130.000 đồng/năm. Mức đóng góp này thấp hơn rất nhiều so với các đối tượng bắt buộc cũng như tự nguyện (trung bình mức đóng góp của các đối tượng này là 350.000 đồng/người/năm.
Những bất cập cần khắc phục
Thực tế, khi triển khai công tác này vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại cần sớm được quan tâm khắc phục, đó là: Việc chuyển thẻ đến người nghèo ở một số nơi vẫn còn chậm. Các thông tin in trên thẻ có sự sai lệch về ngày tháng, năm sinh, về họ, tên đệm..., dẫn đến khi người có thẻ nhập viện không được chấp nhận, phải làm lại thẻ, gây phiền hà cho người bệnh. Chất lượng khám, chữa bệnh ở một số tuyến còn nhiều bất cập nên vẫn chưa thu hút được nhiều người tham gia BHYT.
Lý giải điều này, ông Lê Hùng Sơn, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh chia sẻ: Theo Thông tư số 04 của Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội thì hàng năm vào tháng 11, ngành Lao động, Thương binh - Xã hội phải chốt danh sách hộ nghèo chuyển về cơ quan Bảo hiểm xã hội để kịp thời cấp thẻ BHYT cho người nghèo năm sau. Song, trên thực tế thì cứ tháng 12 ngành Bảo hiểm xã hội mới có được danh sách này.
Do vậy, để việc cấp thẻ được kịp thời, đảm bảo quyền lợi hưởng BHYT của các đối tượng, hàng năm vào cuối tháng 11, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố, thị xã phải kết xuất dữ liệu, hiệu chỉnh, bổ sung mã tỉnh, mã bệnh viện, ghi chép đầy đủ, chính xác các tiêu thức của các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, tự nguyện và nộp danh sách về BHXH tỉnh để làm trước. Còn đối với các đối tượng là người nghèo, ngay sau khi có danh sách chuyển về, ngành đã phải tập trung tối đa lực lượng, trang thiết bị để làm thẻ cho kịp thời gian (thậm chí phải làm việc kể cả ngày thứ 7, chủ nhật). Sau khi hoàn thành việc in ấn, thẻ BHYT được chuyển kịp thời tới các đơn vị quản lý đối tượng, đảm bảo người tham gia BHYT nhận thẻ trước ngày cuối tháng 12.
Thông thường, ngành Bảo hiểm xã hội chỉ có khoảng 5-10 ngày để hoàn thành công việc in ấn hàng trăm nghìn thẻ BHYT cho người nghèo. Với một khối lượng công việc lớn mà yêu cầu thông tin trên thẻ phải chính xác, phải đúng về thời gian... đã là những áp lực không nhỏ đối với cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội. Mặc dù ngành đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng yêu cầu công việc song vẫn không tránh khỏi những sai sót khi in ấn thẻ như: Sai tên, địa chỉ, thậm chí sai cả giới tính! Lỗi này một phần cũng là do các đối tượng khi cung cấp thông tin để làm thẻ không chú ý, rồi khi nhận thẻ không kiểm tra lại thông tin, chỉ đến khi đi khám bệnh mới phát hiện ra sai lệch phải làm lại, như vậy vô hình chung đã gây những bức xúc không cần thiết.
Một bất cập cũng được ngành Bảo hiểm xã hội đề cập đó là, theo Quyết định 289 của Chính phủ, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% giá trị mệnh thẻ cho người cận nghèo. Tuy nhiên, đến thời điểm này ngành Bảo hiểm xã hội vẫn chưa có danh sách đối tượng cận nghèo. Do đó, người cận nghèo hiện vẫn chưa được hưởng chính sách này. Thực tế trên cho thấy, để giảm bớt tình trạng bội chi quỹ khám, chữa bệnh cần phải tính lại vấn đề mức phí BHYT người nghèo, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở y tế trong việc thực hiện khám, chữa bệnh theo BHYT.
Đến tháng 7-2009, Luật BHYT có hiệu lực thi hành, trong đó có những quy định cùng chi trả và quy định thêm một số đối tượng tham gia BHYT bắt buộc..., nhiều vướng mắc sẽ được giải quyết. Nhưng trong khi chờ Luật có hiệu lực thi hành thì trước mắt công tác BHYT cho người nghèo và cận nghèo cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành hữu quan để cùng tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng tham gia BHYT, góp phần thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Đức Nghĩa