Hiện nay 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng được tủ sách pháp luật và đi vào hoạt động có nề nếp; số đầu sách, báo, tạp chí pháp luật hàng năm đều được bổ sung, đáp ứng kịp thời nhu cầu đến đọc, tra cứu, tìm hiểu pháp luật của đội ngũ cán bộ cơ sở và nhân dân.
Toàn tỉnh hiện có 784 tủ sách pháp luật, trong đó có 155 tủ sách pháp luật của các xã, phường, thị trấn, 593 tủ sách của cơ quan, doanh nghiệp, trường học và 116 tủ sách ở các điểm bưu điện văn hóa xã.
Tủ sách pháp luật cấp xã là công cụ quan trọng trong việc cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức cơ sở và đã mở rộng phục vụ nhân dân trên địa bàn theo một xu hướng tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nghiêm túc nhìn nhận thì ở một số nơi, việc triển khai xây dựng tủ sách pháp luật vẫn còn mang tính hình thức, kém hiệu quả; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này, kinh phí đầu tư cho việc củng cố, bổ sung sách pháp luật cho tủ sách nhìn chung còn rất hạn hẹp.
Công tác quản lý tủ sách pháp luật ở một số địa phương chưa đi vào nề nếp, chưa mở sổ sách theo dõi đầu sách dẫn đến tình trạng thất lạc những tài liệu quan trọng. Có nơi chưa ban hành nội quy, quy chế quản lý, khai thác tủ sách, địa điểm đặt tủ sách chưa thật sự thuận tiện, không ít nơi chưa có phòng đọc riêng.
Việc luân chuyển, trao đổi sách báo giữa tủ sách pháp luật cấp xã với các điểm bưu điện văn hóa xã chưa được thực hiện. Cá biệt trong một số tủ sách còn có cả sách pháp luật chưa được hệ thống hóa, chưa loại bỏ tài liệu cũ khi đã có văn bản mới thay thế. Hoạt động tuyên truyền về tủ sách pháp luật chưa thường xuyên, liên tục.
Mô hình xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở là rất cần thiết, do vậy cần tránh việc xây dựng tủ sách pháp luật theo tính hình thức. Muốn làm được điều này, theo chúng tôi việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Các xã, thị trấn cần có quy chế cụ thể, bố trí cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, có thái độ thân thiện trực tiếp quản lý tủ sách để phục vụ nhu cầu tìm đọc và tra cứu của cán bộ và nhân dân địa phương.
Tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân và các hội viên, đoàn viên của các tổ chức chính trị - xã hội nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật thông qua tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn. Sử dụng có hiệu quả các tài liệu, sách pháp luật phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên hệ thống đài truyền thanh 3 cấp của địa phương.
Theo đặc thù của từng vùng, miền, cụm dân cư, đưa ra hình thức phù hợp về các mô hình quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở từng địa phương. Bên cạnh đó, việc xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn cũng rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan tư pháp trong việc biên soạn mục lục, tài liệu tóm tắt theo các chuyên đề và thông báo những văn bản pháp luật mới, những văn bản hết hiệu lực và cung cấp các phụ lục này cho các tủ sách pháp luật cơ sở.
Đối với chính quyền các cấp, cần có chế độ phụ cấp cho cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật nhằm động viên kịp thời sự nhiệt tình, trách nhiệm để họ làm tốt hơn việc quản lý, khai thác tủ sách pháp luật tại cơ sở, từng bước đưa công tác này đi vào hoạt động nề nếp. Đảm bảo 100% tủ sách pháp luật ở cơ sở có quy chế hoạt động cụ thể, chấm dứt tình trạng các tủ sách pháp luật hoạt động mang tính hình thức.
Hoàng Hiệp