1. UBND huyện Nho Quan:
- Xây dựng kế hoạch cụ thể để khắc phục hậu quả do lũ gây ra, đồng thời triển khai tổ chức thực hiện ngay các biện pháp để khắc phục như: Trợ cấp đúng đối tượng, hỗ trợ lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết khác đến tận tay nhân dân vùng lũ, không được để người dân nào bị thiếu đói do thiếu lương thực và ốm đau thiếu thuốc chữa bệnh, thiếu hóa chất làm sạch nước ăn, uống, không để môi trường ô nhiễm và học sinh nghỉ học dài ngày, đảm bảo an ninh trật tự địa phương.
- Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra, nhất là về sản xuất, về khôi phục cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân. Thống kê tình hình thiệt hại do lũ gây ra báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT:
- Chủ động tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành có giải pháp kịp thời giữ vững tràn Lạc Khoái, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do lũ gây ra.
- Tổng hợp tình hình thiệt hại (bao gồm cả người và tài sản) do lũ gây ra báo cáo về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
- Xây dựng phương án khôi phục sản xuất, khôi phục các công trình thủy lợi và đời sống nhân dân sau lũ.
3. Sở Y tế:
- Cấp phát các loại thuốc đến tận từng gia đình nhân dân, tập trung các loại thuốc: Phòng, chống các bệnh tiêu chảy, cảm cúm, đau mắt, chống nước ăn chân, hóa chất làm sạch nước (ngay từ ngày 1-11-2008 đến khi tình hình trở lại bình thường).
- Phối hợp với các đơn vị y tế quân đội đóng quân trên địa bàn thành lập mỗi xã 1 tổ công tác, mỗi tổ từ 2 - 3 người gồm có 1 bác sĩ và y sĩ, y tá, cán bộ làm công tác y tế dự phòng của Sở, của các trung tâm y tế các tuyến đến từng xã, từng thôn xóm, từng gia đình vùng lũ để thực hiện nhiệm vụ. Hướng dẫn, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động và trực tiếp hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch bệnh và làm vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan có biện pháp cụ thể làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh trong và sau lũ.
4. Sở Công thương:
- Tập trung lo lương thực, thực phẩm, chất đốt cho dân đảm bảo đủ nhu cầu của nhân dân vùng lụt và lương thực, nước uống cho lực lượng chống tràn.
- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, đảm bảo bình ổn giá cả trong vùng lũ, chống mọi hành động đầu cơ, nâng giá hàng hóa.
5. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Ninh Bình: Có phương án đảm bảo an toàn về điện cho nhân dân; đồng thời sớm có kế hoạch cụ thể khắc phục hệ thống điện để đảm bảo cấp đủ điện an toàn phục vụ sản xuất, tiêu úng và sinh hoạt của nhân dân.
6. Sở Giao thông - Vận tải:
- Có phương án đảm bảo giao thông trong vùng lũ; nắm vững thiệt hại giao thông các tuyến đường bị hư hại, có phương án khắc phục và đảm bảo giao thông thủy, bộ trong vùng.
- Phối hợp với Công an tỉnh quản lý đò, nơi giao thông bị chia cắt đảm bảo an toàn tuyệt đối. Xử lý kịp thời các cá nhân lợi dụng lúc khó khăn ép giá người đi đò.
7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Sở Tài chính căn cứ vào các văn bản của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, thực hiện chế độ, chính sách đối với nhân dân vùng lũ, nhất là gia đình chính sách neo đơn, đồng thời báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ cho nhân dân vùng lũ.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương thống kê thiệt hại và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kế hoạch tu sửa các công trình kết cấu hạ tầng trong vùng lũ (xếp theo thứ tự ưu tiên).
9. Sở Giáo dục - Đào tạo:
- Khắc phục môi trường, trường, lớp và có kế hoạch cho từng cấp học, lớp học sớm trở lại học tập bình thường.
- Chỉ đạo các nhà trường thuộc các xã vùng lũ ngay sau khi nước rút sẽ thực hiện dạy bù đảm bảo chương trình và chất lượng dạy và học.
10. Sở Tài chính: - Chuẩn bị nguồn tài chính đảm bảo yêu cầu chi phòng, chống lũ lụt, chi hỗ trợ nhân dân vùng lũ. Phối hợp với các ngành tham mưu về chính sách hỗ trợ cho nhân dân vùng lũ.
11. Bộ CHQS tỉnh và Công an tỉnh: - Tăng cường cán bộ, chiến sỹ xuống các xã làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ, nhất là khôi phục đường sá, nhà cửa… và vệ sinh môi trường; bảo vệ an ninh trật tự, an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.
12. Sở Thông tin và Truyền thông: - Có phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành khắc phục lũ, lụt của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã và các vùng, khu vực dân cư vùng lũ.
13. Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: - Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng, chống lũ lụt, đặc biệt là việc giữ gìn nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng, chống các dịch bệnh và nêu cao tinh thần tương thân, tương ái…
14. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể của tỉnh: - Động viên nhân dân nêu cao tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau lúc khó khăn; vận động cán bộ và nhân dân trong tỉnh, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Tiếp nhận và phân phát cứu trợ kịp thời tới tận tay đồng bào, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng.
UBND tỉnh yêu cầu từng cấp, từng ngành, từng đơn vị nắm chắc tình hình địa phương và lĩnh vực phụ trách; đồng chí Giám đốc Sở có trách nhiệm báo cáo với các Bộ, ngành Trung ương để có chính sách ủng hộ nhân dân vùng lũ lụt kịp thời, đồng thời phải cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ này và thường xuyên báo cáo kết quả về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.