Khó khăn trong công tác tuyển sinh
Trường Cao đẳng nghề cơ điện xây dựng Việt - Xô là một trong những trường đào tạo có uy tín bậc nhất cả nước. Trường có trụ sở tại thị xã Tam Điệp, ngoài ra còn có các phân hiệu, trung tâm đào tạo tại một số tỉnh như: Đồng Tháp, Lai Châu, Hòa Bình… Hiện trường tổ chức dạy 18 nghề với 7 ngành đào tạo. Ngoài ra, trường còn liên kết với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tổ chức thực tập sản xuất cho học sinh, sinh viên gắn với đào tạo… Số lượng học sinh vào trường tăng nhanh. Đỉnh cao là năm học 2008-2009, có trên 5.000 học sinh, sinh viên học tại trường. Tuy vậy, những năm trở lại đây, việc tuyển sinh của nhà trường cũng gặp không ít khó khăn. Cá biệt như năm học vừa qua trường không tuyển đủ chỉ tiêu.
Trường Cao đẳng lắp máy Lilama hiện tại cũng đang "vật lộn" với bài toán tuyển sinh. Ông Hoàng Công Thi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: ở thời điểm năm 2010, quy mô đào tạo của nhà trường đạt từ 7.000 - 8.000 học sinh, sinh viên. Nhưng những năm gần đây, mỗi năm trường chỉ tuyển được 1/3, 1/4 chỉ tiêu. Đợt tuyển đầu tiên vào tháng 3-2013, nhà trường đã không tuyển được một chỉ tiêu nào cho hệ cao đẳng và phải đến đợt tuyển lần này, nhà trường mới tuyển được 220 sinh viên hệ cao đẳng và 258 học sinh hệ trung cấp. Để đủ chỉ tiêu, nhà trường đã phải kéo dài thời gian tuyển hơn so với những năm trước.
Theo ông Thi, hiện việc định hướng nghề ở bậc học THPT mới chỉ chú trọng ở việc tư vấn lựa chọn trường đại học, cao đẳng chứ chưa định hướng cho học sinh theo học nghề. Các trường đại học, cao đẳng mở ra ngày càng nhiều với chỉ tiêu tuyển sinh lớn, điểm đầu vào không cao… đã tạo cơ hội cho các em hiện thực hóa giấc mơ vào giảng đường đại học mà bỏ qua học nghề.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn khách quan, công tác dạy nghề vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập khiến các trường nghề kém sức hút.
Vẫn còn "lệch pha" với nhu cầu
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty TNHH Thái Bình Dương cho biết: Hiện nay, mô hình đào tạo của các trường, trung tâm dạy nghề vẫn còn "lệch pha" với nhu cầu của doanh nghiệp. Công ty chúng tôi sản xuất mặt hàng chính là mỳ ăn liền. Dù có rất nhiều trường đào tạo ngành chế biến thực phẩm nhưng lại chưa đưa vào giảng dạy nghề về sản xuất mỳ ăn liền. Do đó, Công ty rất khó tuyển dụng được lao động đã qua đào tạo mặc dù chúng tôi tham gia cả 20 phiên giao dịch việc làm của tỉnh và tuyển qua nhiều "kênh".
Ông Đào Công Thiện, Giám đốc Công ty cơ khí Nam Thành cho biết: Mỗi năm, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển bổ sung trên 20 lao động có kỹ thuật về hàn, tiện và gia công cắt gọt. Để có đủ số lao động, doanh nghiệp phải thường xuyên đăng ký tuyển thông qua mạng Internet, Sàn Giao dịch việc làm, thậm chí đến tận các trường nghề để tuyển dụng. Song, khi vào làm việc không phải lao động nào cũng đáp ứng được yêu cầu công việc. Thậm chí, sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp phải đào tạo lại.
Qua khảo sát, đa số các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh ta vẫn đào tạo "bất di bất dịch" những môn học như: May công nghiệp, điện dân dụng, lắp đặt thiết bị điện, cắt gọt kim loại, hàn điện… mà thiếu sự linh hoạt trong việc đưa những môn học mới vào giảng dạy.
Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở liên kết đào tạo với 9 trường đại học trên cả nước. Trong đó, có những cơ sở cùng liên kết đào tạo một ngành là kế toán, điện, giáo dục mầm non… Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động dạy và học của một số cơ sở còn yếu và thiếu. Có cơ sở dạy nghề bỏ qua cơ cấu ngành nghề vùng, miền và thiếu sự quản lý chặt chẽ về chất lượng dạy và học.
Ông Hoàng Công Thi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Lilama thừa nhận: Hướng đi chủ yếu của trường nghề là đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đặt đào tạo những ngành nghề mới, không thuộc danh mục đào tạo của nhà trường thì chúng tôi cũng phải từ chối mặc dù luôn thiếu học sinh. Bởi lẽ, để mở được một ngành, nghề mới không phải là đơn giản, nó sẽ kéo theo hàng loạt những vấn đề vốn rất khó khăn đối với trường nghề như: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đội ngũ giáo viên.
Đồng quan điểm này, ông Hà Đức Hải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nho Quan cho biết: Mặc dù được thành lập từ năm 2008 nhưng đến nay, nhà trường mới chỉ có 3 giáo viên đứng lớp. Chúng tôi phải ký hợp đồng thuê giáo viên về dạy song tâm lý giáo viên hợp đồng thường không ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, thiếu cán bộ quản lý cũng là một trở ngại khiến nhà trường chưa triển khai thu thập, tổng hợp, công khai nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu cần thay thế của doanh nghiệp. Do đó, thiếu định hướng đào tạo dài hạn, thiếu thông tin tư vấn lựa chọn nghề học cho học sinh và khó thực hiện xây dựng chính sách thu hút cho phù hợp.
Ngay cả đối với những ngành nằm trong danh mục đào tạo, thì việc tuyển sinh theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp cũng bộc lộ khó khăn. Bởi khi đào tạo theo đơn đặt hàng, học sinh sẽ được đào tạo miễn phí nhưng đổi lại, các em phải có cam kết với doanh nghiệp một số điều khoản, trong đó có sự ràng buộc về thời gian làm việc tại doanh nghiệp. Đây là điều mà học sinh e ngại. "Vì những lý do này, mặc dù nhà trường có đơn đặt đào tạo 800 học sinh nghề điện cho doanh nghiệp nhưng đến nay mới chỉ tuyển được… 200 chỉ tiêu"- ông Hoàng Công Thi nói.
Kỳ vọng vào hướng đi mới
Để khắc phục những tồn tại này, hiện nay, các trường dạy nghề đều có mong muốn liên kết đào tạo với doanh nghiệp theo hình thức doanh nghiệp cung cấp, tài trợ một phần kinh phí thông qua trang thiết bị máy móc, học bổng hoặc tham gia xây dựng chương trình phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh và nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, hạn chế việc đào tạo lại. Ông Hà Đức Hải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nho Quan cho biết: Chúng tôi xác định, đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, chúng tôi đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo. Qua đó, nắm bắt nhu cầu, số lượng và các yêu cầu của doanh nghiệp về lao động để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo. Nhà trường cũng có những cơ chế để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình biên soạn chương trình dạy nghề. Vào dịp nghỉ hè, nhà trường liên kết với một số doanh nghiệp tạo điều kiện để giáo viên và các em học sinh đến cơ sở sản xuất thực hành. Qua đó, tiếp cận với máy móc, quy trình sản xuất hiện đại. Ngoài ra, nhà trường còn mời các nghệ nhân, công nhân, kỹ sư có tay nghề cao đang trực tiếp lao động sản xuất ở các khu công nghiệp, các công trường lớn về hướng dẫn thêm để học sinh nâng cao kỹ năng lao động.
Một giải pháp hiệu quả khác đang được một số trường như Cao đẳng cơ giới Ninh Bình, Cao đẳng nghề Lilama… triển khai nhằm khắc phục tình trạng lệch pha trong đào tạo đó là liên kết, hợp tác đào tạo với các trường trong việc đào tạo nghề là trường mình không có. Theo đó, nhà trường có trách nhiệm quản lý học sinh và tổ chức địa điểm học. Phía đối tác cung cấp giáo trình, bố trí giáo viên về dạy. Quá trình hợp tác cho thấy hiệu quả thiết thực với việc đào tạo được hàng trăm học viên có tay nghề đáp ứng cho cơ sở. Trường Cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình tiếp tục liên kết với Trường Đại học Lương Thế Vinh (Nam Định)đào tạo ngành kế toán doanh nghiệp, kỹ sư công nghệ ngành cơ khí, điện kỹ thuật và giáo viên dạy nghề bậc đại học. Mới đây, nhà trường phối hợp với Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội mở thêm ngành kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ khách sạn-nhà hàng, góp phần cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho nhiều dự án du lịch ở địa phương.
Trong lộ trình thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá của Đồng bằng sông Hồng, dự báo năm 2015, tỉnh ta sẽ cần 570 nghìn lao động, trong đó,số lao động đã qua đào tạo là 342 nghìn (chiếm 60% tổng số lao động) và đến năm 2020, sẽ cần 622 nghìn lao động, lao động qua đào tạo là 436,6 nghìn người, chiếm 70% tổng số lao động. Để có được những con số ý nghĩa này đòi hỏi ngay từ bây giờ, các cấp, các ngành và mỗi trường dạy nghề phải dành sự quan tâm, đầu tư hơn nữa tới công tác đào tạo nghề. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần có chính sách đào tạo nghề theo kiểu "đi trước đón đầu" ngay từ lúc có quy hoạch, kế hoạch phát triển các KCN để có thể cung cấp ngay lực lượng lao động có tay nghề theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Có nghĩa là phải thực hiện cho được việc liên kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương-nhà trường-doanh nghiệp.
Thu Hằng