Đã ngoài 50 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Liên, xã Yên Bình, thị xã Tam Điệp vẫn hăng hái theo học lớp phòng và trị bệnh cho gà do Trung tâm dạy nghề thị xã tổ chức. Bà Liên chia sẻ: với bà con nông dân chúng tôi được học những lớp như này thật bổ ích. Giờ tôi đã biết cách chăm sóc cho đàn gà nhà mình sao cho tốt nhất, khi gà mắc bệnh, tôi cũng có thể tự phát hiện và mua thuốc điều trị cho chúng mà không cần đến cán bộ thú y.
Vừa được học lý thuyết, vừa được thực hành nên đa phần các học viên tham gia những lớp học như vậy đều nắm vững được kiến thức và dễ dàng áp dụng tại gia đình. Có kiến thức, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, phường Tây Sơn, thị xã Tam Điệp cho hay: Trước đây, việc nuôi gà của gia đình thực hiện theo hình thức thả vườn với nguồn thức ăn tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp, hiệu quả không cao và dịch bệnh thường xảy ra. Nhưng từ khi được tham gia lớp học, gia đình ông đã chủ động được công tác phòng bệnh cho đàn gà, biết thêm các phương pháp để nâng cao sức đề kháng cho chúng cũng như cách nuôi vỗ để gà mau lớn hơn. Được biết hiện nay, trong nhà ông Kỳ lúc nào cũng có gần 500 con gà, thu nhập vài chục triệu đồng/năm.
Lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 50% tổng lực lượng lao động của tỉnh Ninh Bình. Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là chìa khóa thành công cho nhiều chương trình, mục tiêu của tỉnh.
Từ năm 2013, sau khi nhận nhiệm vụ dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn từ Sở Lao động, Thương bình và Xã hội, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tích cực triển khai công tác này và đã đạt được những kết quả khả quan.
Qua hơn 2 năm, toàn tỉnh đã tổ chức được 57 lớp dạy nghề với tổng số người được đào tạo là gần 1.900 học viên. Qua đánh giá các lớp đào tạo trong năm 2013, 2014 có khoảng 75%học viên sau khi tốt nghiệp đã tự tạo việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng cho năng suất cao hơn, tiết kiệm chi phí nên hiệu quả tăng hơn trước khi học nghề.
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Từ trước đến nay, bà con nông dân chăn nuôi, trồng trọt chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, ít được đào tạo qua trường lớp một cách bài bản để hiểu về cơ sở khoa học. Nên nghề nông nghiệp là một mảng lớn trong chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Qua đào tạo, nông dân sẽ nắm sâu hơn các kiến thức về cây trồng, vật nuôi; về bản chất sinh lý, bệnh lý; các kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… từ đó áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những mặt đã làm được thì công tác đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn nhất định như: cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề còn thiếu, đặc biệt là các trung tâm dạy nghề mới được thành lập. Đội ngũ giáo viên cơ hữu cũng chưa đáp ứng được về số lượng; chương trình, nội dung đào tạo chưa thực sự sát với thực tế địa phương.
Định mức kinh phí đào tạo thấp, mức chi phí hỗ trợ cho người học chưa đảm bảo để thu hút người lao động tham gia học nghề. Việc tiếp cận nguồn vốn vay sau khi được học nghề để đầu tư, mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn nên nhiều lao động sau khi học xong không có điều kiện đầu tư vào sản xuất và chăn nuôi theo mô hình sản xuất hàng hóa, vì vậy chưa thực sự phát huy hiệu quả từ việc học nghề. Việc dạy nghề nông nghiệp hiện nay chưa gắn với các doanh nghiệp hay hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm nên không thu hút được người học.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thời gian tới, Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ chú trọng chỉ đạo dạy những nghề nông dân thực sự cần, dạy nghề gắn với đặc thù của sản xuất nông nghiệp, quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở cấp xã.
Lựa chọn đúng đối tượng học nghề, đủ điều kiện áp dụng kiến thức nghề sau khi học, là nông dân nòng cốt tại địa phương, đảm bảo chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo; chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại làng, xã, thôn, bản... hoặc tại cơ sở sản xuất (trang trại, trạm...), gắn với mô hình sản xuất tiến bộ.
Lấy thực hành là chính; giáo viên dạy nghề nông nghiệp phải có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và có khả năng thực hành tốt; chỉ đạo các cơ sở đủ điều kiện tham gia dạy nghề nông nghiệp sử dụng các chương trình, giáo trình đào tạo nghề đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành và có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Lựa chọn, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo có năng lực thực sự trực tiếp dạy nghề nông nghiệp, không lựa chọn các cơ sở thiếu năng lực, tổ chức trung gian... Khuyến khích các cơ sở dạy nghề liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức đào tạo gắn với giải quyết việc làm.
Hà Phương