Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đây là con số không nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang trong thời kỳ khó khăn. Nguồn vốn này sẽ giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và tập trung vào các khía cạnh quan trọng của phát triển bền vững trong năm tới.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, việc các nhà tài trợ vẫn dành cho Việt Nam mối quan tâm, hỗ trợ lớn trong khi chính các quốc gia tài trợ cũng phải thắt lưng buộc bụng, chống chọi với nợ công là rất đáng trân trọng. Vì vậy, Việt Nam cam kết sẽ cải thiện phương thức quản lý nguồn lực để đảm bảo tiến độ giải ngân.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp thẳng thắn và quý báu của các đối tác phát triển của Việt Nam trong 20 năm. Đây là nguồn lực giúp Việt Nam vượt lên thách thức, đi từ một nước nông nghiệp nghèo lên quốc gia có thu nhập trung bình (thu nhập bình quân đầu người gần 1.600 USD/năm).
Về phía nhà điều phối tài trợ, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng: các đối tác phát triển tin tưởng vào khả năng sử dụng viện trợ hiệu quả của Việt Nam, đồng thời muốn tăng cường giám sát để phát hiện rủi ro và nâng cao năng lực quản lý các dự án ODA.
Bà Kwakwa ghi nhận những tiến bộ trong việc cải thiện nền kinh tế ở Việt Nam nhưng cũng cho rằng những tín hiệu tích cực ấy vẫn còn chưa thực sự vững chắc. Chính vì thế, Việt Nam không nên nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm. Bên cạnh đó, tiến trình tái cơ cấu phải tiến hành song song ở cả hai phía là cải cách tài chính tiền tệ và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước.
Tại Hội nghị, các nhà tài trợ thống nhất cho rằng Việt Nam có thể hợp tác với các công ty tư nhân để phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể lập ra các diễn đàn đối thoại về chính sách đào tạo kỹ năng cũng như dạy nghề trong thời gian tới để nâng cao chất lượng trong lĩnh vực này.
Theo ĐCSVN