Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong năm 2018, tỉnh đã đồng ý chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 56 dự án đầu tư mới, tổng vốn đăng ký gần 5.197 tỷ đồng. Trong đó 4 dự án trong khu công nghiệp (KCN) với số vốn đăng ký là 1.116 tỷ đồng; 13 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng số vốn 125 triệu USD, đưa số dự án FDI của tỉnh Ninh Bình là 63 dự án với tổng mức đầu tư 1.170,92 triệu USD, bao gồm 36 dự án FDI ngoài KCN, 27 dự án FDI trong KCN.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 23 dự án, tăng 10 dự án so với cùng kỳ năm 2018 với tổng mức đầu tư gần 3 nghìn tỷ đồng; thực hiện cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 28 dự án, tăng 7 dự án so với cùng kỳ năm 2018, nội dung chủ yếu được điều chỉnh là tổng mức đầu tư, công suất, diện tích, tiến độ thực hiện...
Riêng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, từ năm 2018 đến nay đã có 7 dự án đầu tư nước ngoài, nâng tổng số dự án về lĩnh vực công nghiệp phụ trợ lên 19 dự án, trong đó có 9 dự án ngành công nghiệp ô tô.
Với định hướng thu hút đầu tư đúng đắn và kết quả thu hút các dự án đầu tư được triển khai thực hiện và đi vào sản xuất ổn định, góp phần quan trọng cho quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, một số dự án lớn đi vào hoạt động ổn định như: Dự án nhà máy kính CFG của Công ty TNHH công nghiệp Hạ Long; dự án nhà máy sản xuất camera mođun và linh kiện điện tử của Công ty TNHH MCNexVina… qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, tạo đột phá về thu ngân sách và tăng trưởng của địa phương.
Đánh giá về công tác xúc tiến đầu tư, đồng chí Đặng Thái Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Quyết định 35/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành Quy định chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã "tạo ra" hàng loạt ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực, đặc biệt là cơ sở hạ tầng..., qua đó góp phần thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô phát triển nhanh chóng ở tỉnh Ninh Bình trong những năm gần đây.
Từ chỗ các ngành nghề thu hút đầu tư tập trung ở lĩnh vực may mặc, giày da..., những năm gần đây Ninh Bình đã thành công khi thu hút được nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp điện tử, góp phần tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước và tăng thu nhập cho người lao động tại các nhà máy.
Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư nói chung và thu hút lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xúc tiến đầu tư như chưa thu hút được dự án lớn của các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào tỉnh để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, quá trình giải phóng mặt bằng thường kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Để tăng cường hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; các kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Cùng với đó, các cấp, các ngành trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 35/2014/QĐ-UBND về Quy định chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định 1751/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển CNHT của tỉnh Ninh Bình đến năm 2025; Quyết định số 20/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình...
Hướng dẫn, phối hợp với doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ khảo sát, lập quy hoạch, triển khai dự án đầu tư hạ tầng KCN để tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Rà soát để cắt giảm các thủ tục hành chính không còn phù hợp; đồng thời thực hiện công khai, minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư; cấp đăng ký doanh khi thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh; thủ tục về thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính Nhà nước. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư với phương châm chính quyền cùng đồng hành với doanh nghiệp.
Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư bằng cách tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ, diễn đàn, tọa đàm trong nước; các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước (các nhà đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức Jica, Jetro, Kotra…); thực hiện các chương trình tuyên truyền xúc tiến đầu tư trên các phương tiện thông tin truyền thông (truyền hình, xây dựng chuyên đề về môi trường đầu tư Ninh Bình trên báo Đầu tư, báo Hiệp hội Doanh nghiệp...)
Phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán đầu tư Việt Nam tại EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép các chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch để giảm chi phí, tăng tính hiệu quả của chương trình.
Tăng cường công tác đào tạo cán bộ, nhất là về ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kiến thức pháp luật trong nước và quốc tế để từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.
Nguyễn Thơm