Những kết quả nổi bật
Qua hơn 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại tỉnh ta cho thấy kết quả đạt được nổi bật nhất là phong trào làm đường giao thông nông thôn. Với chính sách hỗ trợ xi măng theo Đề án 06/ĐA-UBND của UBND tỉnh, phong trào làm đường giao thông nông thôn đã tạo thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, cải thiện đáng kể hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh. Một trong những địa phương được đánh giá là đơn vị làm khá tốt phong trào này là huyện Nho Quan.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều tuyến đường giao thông nông thôn của huyện Nho Quan được làm mới, cải tạo, nâng cấp theo tiêu chí về giao thông. Hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện đã hiến đất, phá dỡ nhà ở, nhà bếp, tường rào… để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn và huy động hàng nghìn ngày công tham gia thực hiện. Theo báo cáo của UBND huyện, Nho Quan đã có gần 2,5 nghìn hộ dân hiến trên 143 nghìn m2 đất; 925 hộ hiến trên 42 nghìn ngày công và tài sản, vật liệu, nhiều con em địa phương, các nhà hảo tâm hiến bằng tiền mặt để làm đường giao thông nông thôn. Toàn huyện đã làm được trên 57 km/498 tuyến đường trục thôn, đường ngõ xóm.
Theo kết quả kiểm tra xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 2 năm 2013, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã xây dựng và nâng cấp trên 464 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ các xã 45.990 tấn xi măng, làm được 3.693 tuyến đường với tổng chiều dài 392 km. Trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, nhân dân đóng góp rất lớn. Trong tổng kinh phí đầu tư làm đường giao thông 179 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 111 tỷ đồng (chiếm khoảng 62%). Bình quân mỗi 1 khẩu đóng góp từ 600-700 nghìn đồng, cá biệt một số nơi có hộ đóng góp trên 10 triệu đồng như xóm 14, xã Quang Thiện (Kim Sơn) mỗi hộ bình quân đóng 12 triệu đồng.
Ngoài làm đường giao thông nông thôn, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu khác phục vụ xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, giáo dục, văn hóa, môi trường,… cũng được các cấp chính quyền và người dân trong tỉnh quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được gần 141 km kênh mương do xã quản lý, nạo vét 28 km kênh mương, sửa chữa và nâng cấp 4 công trình đê bao, hồ chứa nước và bờ bao; lắp đặt thêm trên 212 km đường điện; nâng cấp 71 trường học đạt chuẩn Quốc gia; xây dựng 87 nhà văn hóa và khu thể thao xã, thôn đạt chuẩn Quốc gia; xây dựng được 5 chợ đạt chuẩn; xóa 572 nhà tạm, dột nát và tỷ lệ nhà ở dân cư đạt chuẩn khoảng 63%.
Về phát triển sản xuất, các địa phương đã tập trung chỉ đạo các xã tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất vụ đông, xây dựng cánh đồng mẫu, vùng lúa chất lượng cao, vùng sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao, hỗ trợ mở rộng diện tích lúa gieo thẳng, hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng mô hình lúa cá, các trang trại kinh tế tổng hợp… Công tác dồn điền, đổi thửa hình thành những ô, thửa lớn tạo tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo điều kiện cơ giới hóa nông nghiệp gắn với quy hoạch chi tiết sản xuất đang được các địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai.
Đặc biệt, tỉnh ta có xã Khánh Nhạc và xã Khánh Thành (Yên Khánh) đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa. Tại xã Khánh Nhạc, nhờ việc dồn điền, đổi thửa chỉnh trang đồng ruộng, số thửa các hộ chỉ còn 1,2 thửa/hộ; hàng trăm mồ mả ngoài đồng được người dân tự di chuyển; đã thu gom được 11,6 ha của 100 hộ gia đình không có nhu cầu sử dụng đất tập trung vào một xứ đồng cho HTX nông nghiệp thuê đất sản xuất. Nhờ đầu tư nguồn lực và nỗ lực trong phát triển sản xuất nên thu nhập bình quân đầu người của các xã tăng từ 0,5 đến 2 triệu đồng/người/năm, trong đó có 5 xã đã đạt thu nhập trên 18 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 2%/xã, cá biệt có xã giảm 9,8% như Xuân Thiện (Kim Sơn).
Qua kết quả kiểm tra, đánh giá theo bộ tiêu chí Quốc gia, toàn tỉnh có 1 xã ở nhóm đạt chuẩn từ 14-18 tiêu chí; 33 xã đạt chuẩn từ 9-13 tiêu chí; 74 xã đạt chuẩn từ 5-8 tiêu chí; 12 xã đạt chuẩn dưới 5 tiêu chí.
Khó khăn cần giải quyết
Xây dựng nông thôn mới là việc làm khó khăn, tốn kém, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, trong quá trình kiểm tra đã phát hiện nhiều vấn đề mới, những khó khăn, hạn chế cần sớm giải quyết như: Nhận thức của một bộ phận người dân và một số cán bộ, đảng viên về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ. Nhiều nơi vẫn còn cho rằng đây là chương trình do Nhà nước đầu tư nên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Sự vào cuộc của một số đơn vị và cá nhân chưa tích cực, sự phối hợp giữa các ngành chuyên môn với các cấp chưa tốt, một số nơi chưa bám sát cơ sở, còn phó mặc cho cơ sở nên việc tổ chức triển khai ở cơ sở còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn. Một số xã chưa tập trung chỉ đạo công tác dồn điền, đổi thửa, chưa thật sự coi trọng việc phát triển sản xuất, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất để học tập và khi có mô hình rồi thì công tác nhân rộng còn chậm. Nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu vốn theo đề án và lộ trình đã đề ra, đặc biệt còn nhiều trụ sở UBND xã đang xây dựng dở dang, rêu mốc lãng phí do thiếu vốn đầu tư; nhiều trụ sở UBND xã thiếu công trình nhà văn hóa; nhiều nhà văn hóa thôn xây xong chưa được hỗ trợ kinh phí theo đề án. Công tác cấp phát, thanh quyết toán vốn xây dựng nông thôn mới còn nhiều phức tạp nên một số công trình, phần việc sau khi thực hiện xong vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí như: Công tác dồn điền, đổi thửa tại xã Khánh Nhạc, xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh); việc di chuyển đường ống dẫn nước sạch; xây dựng nhà văn hóa thôn một số xã….
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Để thực hiện chương trình nông thôn mới đúng tinh thần chỉ đạo và kế hoạch đã đề ra, trong thời gian tới các cấp, các ngành, các đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân hiểu đúng về chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó huy động được mọi tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung tay xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới cần nguồn vốn rất lớn, do đó các địa phương cần phải linh hoạt huy động nguồn vốn từ nhiều kênh khác nhau, trong đó chủ yếu tập trung vận động nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn và con em xa quê đóng góp.
Đối với những kiến nghị từ cơ sở, Đoàn kiểm tra đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, cơ quan chuyên môn giải quyết, trong đó ưu tiên một số ý kiến, kiến nghị có tính cần thiết và cấp bách. Đặc biệt tập trung hỗ trợ kinh phí một số công trình, phần việc đã thực hiện như: Kinh phí dồn điền, đổi thửa 2 xã Khánh Nhạc, Khánh Thành theo Đề án 06/ĐA-UBND của UBND tỉnh; hỗ trợ công trình xây dựng trụ sở UBND 5 xã của huyện Kim Sơn; hỗ trợ 87 nhà văn hóa thôn đã hoàn thành và 5 nhà văn hóa xã; hỗ trợ kinh phí di chuyển đường ống nước sạch do mở rộng đường giao thông nông thôn.
Theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, phấn đấu đến hết năm 2013 toàn quốc có 200 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, nhưng hiện nay mới có khoảng 100 xã đạt. ở tỉnh ta có 2 xã là Khánh Phú và Khánh Thành (huyện Yên Khánh) là xã có nhiều tiềm năng, thuận lợi, đội ngũ cán bộ nhiệt tình trách nhiệm, nhân dân đồng thuận cao, rà soát lại có khả năng đạt từ 13-16 tiêu chí, do đó Đoàn kiểm tra đề nghị tỉnh ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho 2 xã trên để sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Hồng Giang