Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" Thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, năm 2015, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 21 về việc thực hiện cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đến nay, sau 2 năm thực hiện, 100% cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ chế "một cửa", nhiều cơ quan thực hiện cơ chế một cửa liên thông.
Để nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "Một cửa", các đơn vị đã xây dựng quy chế hoạt động, quy định quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký; bố trí cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực, trình độ làm việc tại bộ phận "Một cửa", "Một cửa liên thông"; thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ các thủ tục hành chính đã được công bố tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các cơ quan; xây dựng cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương; quan tâm bố trí địa điểm của Bộ phận một cửa tại vị trí thuận tiện và đầu tư các trang thiết bị để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ...
Chất lượng thực hiện cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" từng bước được nâng lên. Theo đó, thủ tục hành chính đã được công khai trên cả 3 phương diện: Thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, phí và lệ phí. Đa số hồ sơ của tổ chức và cá nhân được xem xét giải quyết đúng hạn. Nhiều quy trình, thủ tục hành chính đã được rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, góp phần tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.
Trong 2 năm (2014-2015), các sở, ban, ngành của tỉnh đã rà soát đơn giản hóa 339 TTHC. Và đến nay, toàn tỉnh có 8/17 sở, ngành thực hiện chuẩn hóa TTHC, được Chủ tịch UBND tỉnh công bố, với tổng số 771 thủ tục (660 thủ tục cấp tỉnh, 67 thủ tục cấp huyện và 44 thủ tục cấp xã).
Thực hiện tốt cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" không những tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch, tiết kiệm được thời gian và chi phí thực hiện TTHC mà còn giúp các cơ quan, đơn vị từng bước minh bạch hóa hoạt động quản lý công vụ, giúp lãnh đạo các cơ quan kiểm tra, giám sát, quản lý toàn bộ quá trình giải quyết công việc; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bộ phận một cửa cũng như các bộ phận khác của cơ quan; tăng cường năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.
Năm 2015 tỉnh Ninh Bình được Bộ Nội vụ xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước. Điều này thể hiện sự nỗ lực của tỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành CCHC, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, phục vụ phát triển.
Tăng cường thu hút đầu tư
Để thu hút đầu tư, thời gian qua Ninh Bình đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI).
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Với vai trò là cơ quan chủ trì trong việc giúp UBND tỉnh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh gắn với việc thực hiện các Nghị quyết số 19, số 35 của Chính phủ cũng như Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, đồng thời ban hành quy chế phối hợp trong giải quyết các TTHC theo mô hình "Một cửa liên thông" đối với các dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cùng với làm tốt công tác tham mưu, Sở Kế hoạch và Đầu tư còn quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức của Sở được đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng thời lựa chọn, bố trí các cán bộ nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm và có năng lực chuyên môn tốt đảm nhận các công việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Sở đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định về thủ tục thành lập doanh nghiệp; cấp giấy chứng nhận đầu tư, đấu thầu, nỗ lực cải thiện các khâu liên quan khác nhằm rút ngắn thời gian từ khi đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chức năng, các địa phương trong tỉnh cũng có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư như: tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng, nguồn vốn; có chính sách hỗ trợ đào tạo lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước; triển khai việc giao dịch hồ sơ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế qua mạng Internet... qua đó kêu gọi ngày càng nhiều dự án đầu tư vào địa bàn.
Năm 2016, toàn tỉnh đã có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 5.200 nghìn tỷ đồng (trong đó có 7 dự án trong Khu công nghiệp với số vốn đăng ký là 2.726 tỷ đồng), đồng thời điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 37 lượt dự án.
Cũng trong năm, đã có 602 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 25 doanh nghiệp so với năm 2015 với tổng vốn đăng ký đạt 6.933 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự tin tưởng của các doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh Ninh Bình.
Đây cũng là một minh chứng thể hiện rõ những nỗ lực trong công tác CCHC theo hướng tinh gọn, công khai, minh bạch, tạo hình ảnh tốt đẹp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Ninh Bình làm ăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mai Lan