Căn cứ vào tiềm năng và nhu cầu thực tế của địa phương, Ban quản lý các KCN đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án điều chỉnh, bổ sung các KCN tỉnh Ninh Bình vào danh mục quy hoạch các KCN Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tỉnh ta có 7 KCN (Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp, Khánh Cư, Phúc Sơn, Xích Thổ và Sơn Hà) với tổng diện tích quy hoạch là 1.961 ha, chiếm 1,41% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Với những chính sách ưu đãi của tỉnh, các chỉ số về tốc độ lấp đầy KCN, chất lượng các dự án, tính khả thi và hiệu quả của các dự án KCN của tỉnh đạt ở mức khá so với các KCN trong cả nước và khu vực. Theo Ban quản lý các KCN, đến hết năm 2010, tỉnh ta đã có 5 KCN triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư, có 3 KCN đã có dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực là 63 dự án và số vốn đăng ký là 41.645 tỷ đồng. Trong đó có 17 dự án là vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 529 triệu USD; có 42 dự án đã đi vào sản xuất, 14 dự án triển khai đảm bảo tiến độ, 4 dự án triển khai chậm tiến độ, 3 dự án chưa triển khai.
Khu công nghiệp Gián Khẩu đã cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng giai đoạn I và đã lấp đầy các dự án đầu tư, đây là KCN đa ngành, tập trung các dự án đầu tư vào những ngành chính: xi măng, công nghiệp nhẹ, thực phẩm, may mặc… hiện tại đang triển khai xây dựng phần mở rộng để thu hút đầu tư. KCN Khánh Phú đang tiếp tục xây dựng hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, tỷ lệ lấp đầy trong KCN đã đạt 95,4%; tập trung chủ yếu là các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp như: sản xuất phân đạm, sản xuất thép cán các loại, cảng khô, kính, cơ khí sửa chữa lắp ráp, dịch vụ cảng... KCN Tam Điệp, giai đoạn I tỷ lệ lấp đầy đạt gần 60% và đang triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn II, đồng thời đang tích cực thu hút đầu tư vào KCN.
Nhiều doanh nghiệp trong các KCN đã đi vào hoạt động ổn định, đạt được công suất thiết kế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động, nhất là lao động tại địa phương (như Nhà máy xi măng The Vissai; Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Thành Công; Nhà máy may xuất khẩu Nien Hsing; Nhà máy sản xuất gia công giày, dép xuất khẩu ADORA; Nhà máy xi măng Tam Điệp...).
Giá trị sản xuất công nghiệp, nộp ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp trong các KCN liên tục tăng qua các năm. Năm 2007 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 574,7 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 7,8 tỷ đồng; năm 2008 đạt 2.268 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 183,3 tỷ đồng; năm 2009 đạt 2.725 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 181,8 tỷ đồng; năm 2010 đạt 3.242 tỷ đồng, chiếm 33,6% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, nộp ngân sách Nhà nước 665 tỷ đồng, chiếm 22% thu ngân sách toàn tỉnh; kim ngạch xuất khẩu đạt 39,6 triệu USD, chiếm 49% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Trong năm 2011, giá trị sản xuất các doanh nghiệp trong KCN đạt 5.400 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2010, chiếm 42% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; nộp ngân sách trên 855 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2010, đạt trên 37% số thu ngân sách toàn tỉnh (trừ số thu về đấu giá quyền sử dụng đất); xuất khẩu trên 186 triệu USD, tăng 4,7 lần so với năm 2010, đạt 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Trong năm 2012, các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh đã khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất ổn định với giá trị sản xuất cả năm ước đạt trên 7.200 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2011, chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả tỉnh; giá trị xuất khẩu ước đạt 219 triệu USD, vượt 13% kế hoạch năm; nộp ngân sách ước đạt 450 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có doanh thu cao, giá trị xuất khẩu lớn, như; Nhà máy xi măng The Vissai, Nhà máy luyện cán thép Tam Điệp, Công ty may NienHsing, Công ty giày ADORA, may Đài Loan, may Phoenix, Công ty ADM21...
Đặc biệt, các KCN đã giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động địa phương, góp phần giải quyết vấn đề lao động ở nông thôn, trong đó: KCN Gián Khẩu 5.073 lao động, KCN Khánh Phú 6.953 lao động, KCN Tam Điệp 7.609 lao động với mức lương bình quân khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Trường Sinh