Những năm gần đây, đất nước liên tục phát triển, năm 2010 tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,78% đời sống của người dân tiếp tục được cải thiên, kéo theo thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng lương thực cũng thay đổi, đa phần đã chú trọng đến chất lượng cuộc sống. Do vậy, nhu cầu về các loại gạo ngon, chất lượng cao ngày càng tăng lên.
Nắm bắt được xu hướng này, các địa phương và người nông dân đã chú trọng, dành một diện tích đáng kể cho việc gieo cấy các giống lúa chất lượng cao. Năm 2008, toàn tỉnh chỉ có 2.861 ha giống lúa chất lượng cao, thì đến năm 2009 đã có 14.895 ha và năm 2010 có khoảng 19.700 ha. Giống lúa được đưa vào sản xuất chủ yếu là: Hương thơm số 1, Bắc thơm, LT2, Nếp, Dự… Những giống lúa này có chất lượng gạo tốt; cơm dẻo, ngon, thơm… năng suất thấp hơn so với các giống lúa lai, song bù lại giá lúa thương phẩm lại cao hơn. Thông thường, các cây trồng qua nhiều năm canh tác sẽ có sự tạp giao, thoái hóa (Lúa là cây trồng thụ phấn kín và quá trình thoái hóa vẫn diễn ra, nhưng chậm ). Để có thêm nguồn giống lúa chất lượng cao, bổ sung cho cơ cấu gieo cấy đại trà ở các địa phương; Vụ mùa năm 2010, Trung tâm Ứng dụng KHCN và Đo lường, thử nghiệm(Sở KHCN tỉnh) đã triển khai đề tài " Xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao-Tám xoan đột biến trên địa bàn một số địa phương đại diện cho các vùng sinh thái khác nhau". Mô hình dược triển khai tại 3 HTX của 3 huyện: Ân Hòa (Kim sơn), đại diện cho vùng đồng bằng ven biển; Liên Phương (Yên Mô), đại diện cho vùng đồng bằng; Gia Vượng (Gia Viễn), đại diện cho vùng trung du, miền núi với mỗi nơi gieo cấy 20 ha và 1 sào cấy giống đối chứng bằng loại giống: Bắc thơm, LT2 hoặc Hương thơm số 1. Để thực hiện đề tài, các khâu chuẩn bị: Khảo sát, chọn địa điểm; tham quan, tập huấn, hội thảo đầu bờ; chuyển giao quy trình kỹ thuật gieo cấy, bón phân…được Trung tâm triển khai sớm ngay từ những tháng đầu năm. Khâu mạ, tỷ lệ nẩy mầm cao (trên 90%), lúa cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa trong mô hình cho thấy: sự đẻ nhánh của giống Tám xoan đột biến mạnh hơn các giống đối chứng, ở chân đất trũng lúa đẻ nhánh nhiều hơn so với ruộng vàn và ruộng cao. Về sâu bệnh xuất hiện chủ yếu các đối tượng: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và rầy lưng trắng, sâu đục thân lúa 2 chấm, bệnh lùn sọc đen, khô vằn, bạc lá với mức độ khác nhau, tùy thuộc vào từng vùng, điều kiện sinh thái cũng như thời tiết khí hậu và đã được chỉ đạo phòng chống kịp thời.
Đồng chí Hoàng Trọng Lễ, Giám đốc Trung tâm, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Tại HTX Ân Hòa, năng suất đạt 63,3 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng (Bắc thơm) 7 tạ/ha; Ở Liên Phương năng suất đạt 64,4 tạ/ha, cao hơn giống lúa đối chứng (LT2) 6,5 tạ/ha; tại Gia Vượng năng suất đạt 47,2 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng( Hương thơm số 1) 5,6 tạ/ha Như vậy tùy từng vùng và chân đất khác nhau với năng suất của giống lúa Tám xoan đột biến có khác nhau, nhưng đều cao hơn giống lúa đối chứng. Trung tâm cũng đã gửi mẫu gạo của các giống lúa, ở các địa phương trên đi phân tích chất lượng cho thấy: giống Bắc thơm hàm lượng tinh bột đạt cao nhất 77,75%, Protein đạt 6,83%, đường đạt 2,58%. Giống Tám xoan đột biến và LT2 có hàm lượng tinh bột từ 76,27-76,95%, Protein từ 6,6-6,8%, đường từ 2,42-2,69%. Giống Hương thơm số1, tinh bột đạt 74,58%, Protein 6,38%, đường 2,26%. Điều đó chứng tỏ giống Tám xoan đột biến có chất lượng gạo tương đương với giống LT2, nhưng kém giống Bắc thơm. Hạch toán chi tiết ở thời điểm giá lúa thương phẩm lúc đó: Tại Ân Hòa, cấy giống Tám xoan đột biến lãi cao hơn so với đối chứng 3.158.000 đồng/ha; Liên Phương 2.736.000 đồng/ha; Gia Vượng 2.248.000 đồng/ha.
Về mặt xã hội, dự án đã góp phần hoàn thiện quy trình gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ giống lúa Tám xoan đột biến, có thêm nguồn và chủng loại giống lúa chất lượng cao cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Làm chuyển biến nhận thức và tập quán canh tác nông nghiệp góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng hàng hóa; làm tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người nông dân. Đây mới là vụ sản xuất đầu tiên, phạm vi sản xuất còn hẹp, lại là giống mới…nên cần tiếp tục được triển khai ở năm tiếp theo, để sớm hoàn thiện đưa vào sản xuất đại trà ở mọi vùng miền.
Đinh Chúc