Hiện nay, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh đã cập nhật 100% các thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh và đã được chuẩn hóa, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. UBND tỉnh đã thực hiện rà soát lại, tái cấu trúc quy trình thủ tục để đơn giản hóa cho việc xử lý, tích hợp và sẵn sàng tiếp nhận phản ánh kiến nghị của tổ chức, công dân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 100% các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị đều được tin học hóa quy trình và cung cấp công khai trên Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh. Cổng dịch vụ công của tỉnh được triển khai và hoạt động ổn định, hiệu quả tại 20 sở, ban, ngành (gồm 18 đơn vị cấp tỉnh và Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Ninh Bình, BHXH tỉnh), 8 UBND cấp huyện và 143 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh đã triển khai được 1.041 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 399 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Với mục tiêu cải cách TTHC, việc triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) được xem là giải pháp mang lại lợi ích không nhỏ cho cả người dân và các cơ quan, doanh nghiệp. Để giao dịch điện tử được thực hiện thông suốt, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai việc xây dựng nền tảng thanh toán trực tuyến của hệ thống và kết nối với nền tảng thanh toán của Cổng DVCQG (Payment platform); đang chuẩn bị các giải pháp để triển khai kết nối với Cổng thanh toán quốc gia (PayGov). Tích hợp các dịch vụ và đang tích cực triển khai tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng DVCQG theo lộ trình. Đồng chí Đinh Quang Tấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin VNPT Ninh Bình cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT là đơn vị cung cấp phần mềm Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh. Trong thời gian qua, VNPT đã triển khai hệ thống này hiệu quả, đã tích hợp lên Cổng DVCQG 35 thủ tục hành chính. Ninh Bình là tỉnh tích hợp TTHC được trên Cổng DVCQG đứng thứ 3 toàn quốc. Công tác triển khai hỗ trợ thực hiện trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp ký số, tích hợp thanh toán trực tuyến đang kết nối với Ngân hàng Vietcombank về thanh toán dịch vụ công, được kết nối với tất cả các sở, ban, ngành, UBND huyện và đến cấp xã. Đồng thời, trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đang triển khai biên lai điện tử phục vụ cho việc thanh toán trực tuyến cũng như phục vụ cho hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh. Bên cạnh đó, VNPT đã bố trí đội ngũ, nhân viên kỹ thuật thường xuyên hỗ trợ các đơn vị thực hiện công tác hướng dẫn sử dụng, thay đổi, chỉnh sửa phần mềm, đáp ứng các yêu cầu của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.
Thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh và Quốc gia là đã sẵn sàng các kênh thanh toán, như tích hợp chức năng thanh toán với Vietcombank. Ngoài ra, người dân có thể kết nối và thanh toán với các ngân hàng khác thông qua ứng dụng VNPT Pay hoặc thanh toán qua ví điện tử VNPT Pay. Đồng chí Hoàng Huy Nam, Phó Giám đốc Vietcombank Ninh Bình cho biết: Vietcombank là ngân hàng đầu tiên được Chính phủ lựa chọn để cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp giải quyết các TTHC. Những dịch vụ thanh toán trực tuyến mà Vietcombank đã triển khai được theo đúng lộ trình của Chính phủ gồm: Thu phạt vi phạm an toàn giao thông; thanh toán thuế thu nhập cá nhân, thuế trước bạ; thanh toán BHXH (BHYT, BHXH tự nguyện, BHXH bắt buộc cho doanh nghiệp); triển khai dịch vụ thanh toán phí, lệ phí hành chính công thông qua Cổng DVCQG cho 44 tỉnh, thành phố trên toàn quốc (trong đó bao gồm cả tỉnh Ninh Bình). Trong thời gian tới, Vietcombank tiếp tục cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG, như thanh toán thuế đất, triển khai thanh toán thí điểm cho một số bệnh viện, thanh toán tiền điện.
Thanh toán trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC, giảm phiền hà, giảm thời gian đi lại, minh bạch trong các khoản thu, giúp cơ quan Nhà nước quản lý tốt hơn việc thu các loại phí trong giải quyết TTHC. Để người dân biết, sử dụng các dịch vụ tiện ích thanh toán trực tuyến các TTHC, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng. Đồng chí Tạ Quang Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh cho biết: Ninh Bình là 1 trong 20 tỉnh triển khai sớm nhất hình thức thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG. Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh cũng sẵn sàng các giải pháp trong thực hiện thanh toán điện tử qua Cổng Dịch vụ công tỉnh và Cổng DVCQG với nhiều hình thức thanh toán trên môi trường mạng. Để đẩy mạnh thanh toán trực tuyến các TTHC đạt kết quả cao cần sự quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để người dân hiểu và có thói quen sử dụng phương tiện, các thiết bị thông minh thực hiện các giao dịch thanh toán trên môi trường mạng. Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đã có hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện thanh toán TTHC, đặc biệt là các TTHC mức độ 4 trên môi trường mạng.
Trong 9 tháng năm 2020, Cổng dịch vụ công của tỉnh được kết nối và đồng bộ trạng thái hồ sơ TTHC lên Cổng DVCQG với 54.264 hồ sơ. Tất cả các hồ sơ đều được gắn địa chỉ; đã tích hợp, đồng bộ được thủ tục, trạng thái thủ tục lên Cổng DVCQG; tích hợp đăng nhập 1 lần SSO, đồng bộ hồ sơ, trạng thái hồ sơ lên Cổng DVCQG; rà soát lại, thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục để đơn giản hóa cho việc xử lý và tích hợp lên Cổng DVCQG; thực hiện chuẩn hóa, công khai 1.874 TTHC trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC; sẵn sàng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân trên Cổng DVCQG.
Bài, ảnh: Tiến Minh