Theo đồng chí Đào Xuân Ái, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thái, sau 2 năm triển khai thực hiện thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp cấp xã về sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể khẳng định kinh tế của Yên Thái có sự chuyển biến rõ nét, giá trị trên các lĩnh vực sản xuất đều tăng, thu nhập của người nông dân nâng cao. Đặc biệt, xã đã xây dựng và được cấp giấy chứng nhận cơ sở trồng trọt đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 4 HTX nông nghiệp, trong có 4 vùng sản xuất lúa với diện tích hơn 420 ha và 3 vùng sản xuất cây màu với diện tích hơn 45 ha.
Trong sản xuất lúa, Yên Thái đã xây dựng các mô hình sản xuất VietGap, chủ yếu là các giống lúa thuần chất lượng cao như: Bắc Thơm số 7, LT2,... và nếp các loại.
Năng suất lúa đạt cao, trung bình năm 2016 đạt 51,76 tạ/ha và năm 2017 đạt 59,5 tạ/ha. Sản xuất lúa an toàn đã mang lại hiệu quả và rất nhiều lợi ích như: người nông dân được nâng cao trình độ canh tác lúa tổng hợp theo hướng VietGap, hướng an toàn; quá trình sản xuất đã giảm được lượng phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật và công phun thuốc, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm an toàn, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Về sản xuất cây màu, Yên Thái đẩy mạnh liên kết sản xuất với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất đậu xanh giống vụ hè thu và lạc giống trong vụ xuân, vụ đông. Hiệu quả kinh tế khi liên kết cao, diện tích liên kết ngày càng được mở rộng, hiện diện tích đậu xanh giống vụ hè thu đạt trên 40 ha, diện tích liên kết sản xuất lạc giống vụ đông gần 40ha.
Cùng với đó, xã đã xây dựng các mô hình sản xuất rau xen canh, gối vụ theo hướng VietGap và đã có 3 ha được chứng nhận VietGap với các loại cây trồng chủ yếu: su hào, cải bắp, rau ăn lá.
Bên cạnh đó, Yên Thái tập trung thực hiện mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị hàng hóa như ổi, chanh trên diện tích 10ha.
Hiện các cây trồng chuyển đổi sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Lĩnh vực chăn nuôi được xây dựng theo hướng xã an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm. Chăn nuôi thủy sản phát triển mạnh với các mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và mô hình sản xuất ao nổi.
Đặc biệt hơn 2,2ha ao nổi đã được người dân đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất và sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với sự kiểm soát chặt chẽ từ nguồn giống nhập về, sự đầu tư của người dân, cùng với áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, trong 2 năm qua con nuôi thủy sản trên địa bàn xã không xảy ra dịch bệnh.
Nhờ thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, kinh tế - xã hội của Yên Thái có sự phát triển rõ nét, giá trị sản xuất nông nghiệp năm sau cao hơn năm trước, tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đều tăng.
Chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp cấp xã về sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng chí Chủ tịch UBND xã Yên Thái cho biết thêm: Một trong những bài học quý để bước đầu thực hiện thành công đề án đó là phát huy được vai trò, trách nhiệm của người sản xuất. Tức là phải làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân.
Nâng cao nhận thức không chỉ ở việc nâng cao trình độ sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân mà còn nâng cao ý thức tự giác trong sản xuất đảm bảo an toàn, trong tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ sản xuất, Yên Thái đã tập trung được sức mạnh tổng hợp, huy động được các nguồn lực để thực hiện mục tiêu của đề án.
Cùng với đó, địa phương đã tập trung đánh giá sát, đúng thực trạng phát triển nông nghiệp và tiềm năng, thế mạnh để lựa chọn ra cách làm riêng phù hợp với điều kiện thực tế.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, đánh giá những hạn chế, khó khăn và những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp cấp xã, trong thời gian tới, Yên Thái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời phát huy tiềm năng thế mạnh, đổi mới các mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm nông nghiệp của xã vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, từ đó tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Giáng Hương