Khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư đang là hợp phần quan trọng cấu thành nên một di sản của thế giới trong tương lai, là trọng điểm của ngành Du lịch Ninh Bình. Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long một trọng điểm du lịch của Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, là nơi sở hữu 2 kỷ lục của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam năm 2010 đó là: "Nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất" và "Nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất". Hiện tại, cả hai khu bảo tồn đã và đang được đông đảo các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế đánh giá là mô hình bảo tồn được bảo vệ tốt nhất Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long từ năm 1996 đến nay đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long.
Trước hết, Ban quản lý đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ rừng với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Ngoài hệ thống gần 100 biển báo pa nô các loại, đã in ấn 5.000 tờ rơi, 5.000 cuốn sách, 500 bức tranh, 1 bài hát, 1 bộ phim khoa học và nhiều phóng sự tuyên truyền. Đồng thời tổ chức thực hiện hàng trăm đợt tuyên truyền lưu động, 50 buổi ngoại khóa tại các trường học phổ thông, 50 lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng cho cộng đồng, 10 cuộc thi tìm hiểu về Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Công tác tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương về bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh khu du lịch Vân Long, thúc đẩy ngành kinh tế du lịch địa phương phát triển.
Với tư cách là chủ rừng, ngay từ khi mới thành lập, Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long chú trọng thực hiện việc xác lập mốc giới địa chính. Hệ thống mốc giới giữa Khu bảo tồn với các khu dân cư, với các đơn vị, tổ chức, hộ gia đình đã được xác định, có mốc giới rõ ràng, có định vị tọa độ và lưu trữ trên bản đồ. Toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp, đất ngập nước được giao đã được quản lý tốt, sử dụng đúng mục đích, không có tình trạng xâm lấn đất rừng, chuyển mục đích trái quy định. Định kỳ hàng năm đã tổ chức thực hiện việc rà soát theo dõi và cập nhật thông tin diễn biến rừng, mở sổ sách theo dõi chặt chẽ, có tổng hợp báo cáo UBND huyện và cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Ban quản lý đã từng bước triển khai thực hiện một cách hài hòa giữa công tác tuyên truyền, vận động với đấu tranh ngăn chặn và xử lý vi phạm, với phương châm "Lấy dân làm gốc", lấy hoạt động của chính quyền cơ sở làm trọng tâm, tăng cường phối hợp với các tổ chức quần chúng, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương thiết lập trật tự kỷ cương pháp luật về bảo vệ rừng. Gần 15 năm thực hiện, đã đấu tranh ngăn chặn và xử lý trên 100 vụ vi phạm, tịch thu 4 khẩu súng săn các loại, 20 bẫy thú, 4 da thú nhồi quý hiếm, 200 cá thể chim các loại, gần 1.000 kg than củi, 30 kích điện, hàng chục riu tép và đăng, đó các loại, trong đó đã xử lý một số vụ vi phạm điển hình như vụ khai thác gỗ củi ở Tràng An, Tam Cốc, Hải Nham (huyện Hoa Lư), khai thác than khu Quèn Cả, khai thác gỗ sưa tại đình Chung, xã Gia Hưng, vụ khai thác cây cảnh ở Thung Lá, xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn)….
Công tác phòng cháy và chữa cháy rừng đã được thực hiện tốt. Ban quản lý đã tổ chức chữa cháy kịp thời 20 vụ, do sớm được phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời nên mức độ thiệt hại xảy ra không lớn, từ năm 2006 đến nay chưa có vụ cháy lớn nào xảy ra. Rừng tại gốc đã được bảo vệ tốt, độ che phủ của rừng không ngừng được nâng cao, tính đa dạng ngày càng phát triển.
Đi đôi với các nhiệm vụ trên, về lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học kỹ thuật, Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long đã phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức 3 đợt điều tra đa dạng sinh học, lập danh mục các loài động thực vật rừng phân bố tại Khu bảo tồn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đến thời điểm cuối năm 2010 số lượng voọc mông trắng tại Khu bảo tồn là 110 cá thể/19 đàn, đây là số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất của Việt Nam và có thể quan sát được ngoài tự nhiên, so với tổng số 200 cá thể dự báo có ở Việt Nam. Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long còn tích cực chuyển giao hướng dẫn bà con nông dân cải tiến kỹ thuật, áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất lâm nghiệp, nhất là lựa chọn vật nuôi, cây trồng, cải tạo vườn tạp, trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, xây dựng mô hình trang trại sản xuất lâm nghiệp có hiệu quả. 60% vườn tạp của các hộ gia đình tại 5 thôn vùng lõi đã được cải tạo, 2.000 giống cây ăn quả và trên 15.000 cây giống lâm nghiệp đã được cấp cho các hộ gia đình, 2 mô hình trang trại đồi rừng đã được hình thành và phát triển, đó là mô hình trồng cây ăn quả trên vùng đất dốc Đồi Ngô xã Gia Hòa (5 ha). Mô hình trồng cây bản địa khu Quèn Cả, xã Gia Hưng (3 ha), 3 mô hình thử nghiệm đó là: trồng tràm trên vùng đất lầy thụt tại xã Gia Lập (5 ha), mô hình trồng cây Mắc Rạc trên núi đá (1 ha), mô hình trồng cây Sưa ở chân núi đá vôi, mô hình bảo vệ rừng kết hợp với du lịch sinh thái ở Thung Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư…
Ban quản lý đã tích cực tham gia chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của tỉnh, tổ chức khoán bảo vệ rừng trên 4.000 ha/133 hộ gia đình, trồng mới trên 100 ha rừng trồng, 60.000 cây phân tán... Diện tích rừng mới trồng đã được bảo vệ và chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn thiết kế, một số khu rừng trồng đã và đang phát huy tốt vai trò tác dụng của nó trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường, ngoài ra còn là nơi trú ngụ, là giá đỡ cho hàng vạn con cò, vạc trú ngụ sinh sống và sinh trưởng.
Ngoài những nhiệm vụ công tác trên, công tác hợp tác đầu tư nghiên cứu với các tổ chức trong và ngoài nước đã được Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long chú trọng thực hiện và đạt được hiệu quả cao. Một số đối tác chủ yếu trong thời gian qua đó là: Hội động vật học Frankfurt CHLB Đức tại Việt Nam; Tổ chức VCF Quỹ Bảo tồn - Cục Kiểm lâm; GEF của Vương quốc Hà Lan; Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam… Trong các đối tác đó, có sự hợp tác đầu tư thường xuyên và hiệu quả của Hội động vật học Frankfurt tại Việt Nam, trong 12 năm hợp tác đã đầu tư xây dựng 6 trạm BVR, cấp kinh phí duy trì hoạt động của đội ngũ 27 nhân viên bảo vệ rừng và nhiều các chương trình hoạt động khác…
Do làm tốt các nhiệm vụ công tác được giao, liên tục từ năm 2003 đến nay, tập thể Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long liên tục được tặng Bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp & PTNT, là một trong những đơn vị lá cờ đầu của Chi cục Kiểm lâm trong mọi phong trào. Năm 2011, tập thể Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Đỗ Văn Các
(Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long)