Kỳ 1: Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có trên 4.200 doanh nghiệp, trong đó có 1.639 doanh nghiệp có nợ vay tại các chi nhánh Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng HTX (NHTM, NHHTX) tỉnh, với tổng dư nợ 24.935 tỷ đồng, chiếm 80% trên tổng dư nợ của các NHTM, NHHTX. Trong đó: Dư nợ cho vay doanh nghiệp quốc doanh là 1.775 tỷ đồng, chiếm 7,1% trên tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp, tăng 15,3% so với đầu năm; dư nợ cho vay doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 23.160 tỷ đồng, chiếm 92,9% trên tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp, tăng 8,6% so với đầu năm. Mức lãi suất cho vay từ 9-13%/năm.
Ông Phạm Ngọc ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm 2014, NHNN đã chỉ đạo các Ngân hàng, tổ chức tín dụng (NH, TCTD) trên địa bàn thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, xử lý nợ xấu, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2-1-2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN năm 2014, Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15-1-2014 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014. Trong đó, chỉ đạo các NH, TCTD trên địa bàn tập trung ưu tiên vốn cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất các khoản vay cũ, xem xét miễn giảm lãi tiền vay...
Hiện các chi nhánh NHTM, NHHTX cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 37 doanh nghiệp, với số dư nợ là 2.003 tỷ đồng và thực hiện gia hạn nợ cho 38 doanh nghiệp, với số dư nợ 613 tỷ đồng. Các chi nhánh TCTD cũng tiết kiệm chi phí để từng bước giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý, nhằm mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Ngoài việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của NHNN Việt Nam, các TCTD cũng triển khai nhiều chương trình, nhiều gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Chia sẻ với phóng viên Báo Ninh Bình, lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Công thương Tam Điệp cho biết: Trong thời điểm hiện nay doanh nghiệp và ngân hàng đều cùng trên 1 chiếc thuyền chính vì vậy ngân hàng phải chia sẻ khó khăn và cùng sát cánh với doanh nghiệp. Thực hiện chương trình kết nối cả doanh nghiệp và Ngân hàng đều thu được lợi ích, bởi doanh nghiệp được Ngân hàng tìm hiểu khó khăn thực tế, đưa ra giải pháp để hỗ trợ tốt nhất, và cùng với việc hỗ trợ cho doanh nghiệp thì Ngân hàng cũng đưa được dòng vốn của mình đến với khách hàng hiệu quả. Dòng vốn sẽ luân chuyển để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, còn Ngân hàng có thêm lợi nhuận.
Hiện Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Tam Điệp đang thực hiện các chương trình "Tiếp sức thành công" với lãi suất 7-8%/năm; chương trình cho vay ưu đãi khách hàng dưới 1 tháng: Lãi suất 7%/năm (áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh có vòng quay vốn ngắn dưới 1 tháng); chương trình "Kết nối khách hàng tiềm năng" lãi suất 10%/năm.
Cùng với Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Tam Điệp, các chi nhánh Ngân hàng, TCTD trên địa bàn cũng đang đồng loạt thực hiện các gói tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý để tiếp tục sản xuất, kinh doanh như: Chi nhánh Ngân hàng TMCP Quân đội với các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm: Gói tín dụng lãi suất ưu đãi 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: lãi suất 7-7,2%/năm; tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực trọng điểm như: Xây dựng, xi măng, xuất khẩu...: lãi suất 7%/năm; gói tín dụng trung hạn 1.500 tỷ ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ lãi suất 9,5%/năm.
Chi nhánh NH TMCP Công thương Ninh Bình với các gói cho vay VNĐ tham chiếu USD: Lãi suất từ 4-6%/năm; gói 3.000 tỷ cho vay nông sản: Lãi suất 7%/năm; chương trình "Kết nối khách hàng tiềm năng" lãi suất 8%/năm; chương trình "Tiếp sức thành công" lãi suất 7%/năm. Chi nhánh Ngân hàng TMCP Kỹ thương với gói ưu đãi 2.000 tỷ đồng lãi suất 7%/năm.
Tại buổi ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Ninh Bình, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình bày tỏ sự khi được tiếp cận với Chương trình kết nối giữa doanh nghiệp và Ngân hàng. Đồng thời đánh giá chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đang được triển khai là một cách cụ thể hóa những giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Đây là một chương trình thiết thực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có sức bật để hoạt động hiệu quả trong khi kinh tế còn khó khăn như hiện nay. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng vừa điều chỉnh giảm lãi suất, vừa cho vay mới giúp Công ty đảm bảo nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, về phía Ngân hàng cần phối hợp rất nhịp nhàng hơn, luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh.
Ông Đoàn Lan, Giám đốc doanh nghiệp chiếu cói Đổi Mới (Kim Sơn) đánh giá: Mô hình kết nối đã xóa đi khoảng cách giữa doanh nghiệp với Ngân hàng. Qua chương trình này, cách tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có những thay đổi lớn. Tuy nhiên, ông Đoàn Lan bày tỏ mong muốn lãi suất cho vay của chương trình nên thấp hơn nữa. Một số doanh nghiệp khác cũng đề nghị các Ngân hàng giải quyết cho vay vốn với thời hạn dài hơn để doanh nghiệp có thể mở rộng đầu tư nhà máy, thay đổi công nghệ, hiện đại hóa máy móc thiết bị.
Ông Mai Thế Hệ, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) cho rằng: Lãi suất từ trên 20% đã giảm xuống còn 10% là điều khiến nhiều doanh nghiệp rất phấn khởi. Với mức lãi suất này doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cũng theo ông Mai Thế Hệ, việc ngân hàng và doanh nghiệp thực hiện kết nối, chia sẻ lợi ích còn xóa đi khoảng cách giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trong quan hệ với Ngân hàng. "Trước đây, những doanh nghiệp lớn, có quan hệ lâu năm với các Ngân hàng thì họ có thể nhận được các khoản vay lớn với thủ tục nhanh chóng, trong khi các doanh nghiệp nhỏ thường rất khó vay, phải có tài sản đảm bảo, khâu xét duyệt lâu và thường là hạn mức rất nhỏ".
Nguyễn Thơm