Kế thừa các kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021
Thứ Sáu, 01/01/2021, 06:38
Zalo
Nhân dịp bước sang năm mới 2021, phóng viên Báo Ninh Bình đã phỏng vấn đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2021. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Kế thừa các kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021
P.V:Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, năm vừa qua là năm có nhiều khó khăn, thách thức, song chúng ta đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Xin đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá khái quát về năm 2020.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc: Bước vào năm 2020, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020; là năm tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác. Mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 đặt ra rất cao. UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình công tác, triển khai các nhiệm vụ cụ thể để quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, đại dịch COVID-19 đã bùng phát với tốc độ lây lan rất nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử, tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu. Tỉnh Ninh Bình có ngành công nghiệp đã và đang hội nhập kinh tế quốc tế tương đối sâu rộng với kim ngạch xuất, nhập khẩu trên 5 tỷ USD và ngành du lịch phát triển với trên 8 triệu lượt khách tham quan hàng năm đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong điều kiện giãn cách xã hội.
Với tinh thần vừa chủ động phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính, "chống trì trệ, đùn đẩy, giải quyết công việc chậm", UBND tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phát huy dân chủ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020.
Đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh; kịp thời triển khai thực hiện. Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Trung ương giao trong việc đón gần 3.500 công dân từ nước ngoài về các khu cách ly tập trung đảm bảo an toàn; tích cực điều trị các ca dương tính, trong đó có 31/34 trường hợp đã được điều trị khỏi, ra viện, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên. Ninh Bình là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện việc hỗ trợ tiền ăn cho những người cách ly, theo đó hỗ trợ từ 57.000 đồng/người/ngày lên 80.000 đồng/người/ngày; ngoài ra, hỗ trợ gần 4 tỷ đồng 3 tháng kinh phí nước sạch sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Với tinh thần nhất quán: "Không để ai bị bỏ lại phía sau", nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động, góp phần ổn định xã hội, UBND tỉnh đã kịp thời triển khai ngay Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách. Đến nay đã hoàn thành hỗ trợ cho gần 100 nghìn người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí trên 118 tỷ đồng; hỗ trợ cho gần 11 nghìn lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong quá trình chỉ đạo điều hành, UBND tỉnh đã đẩy mạnh phân cấp, giao quyền gắn với trách nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, phát huy tính chủ động, trách nhiệm, sáng tạo. Minh bạch, hiện đại hóa hoạt động công vụ, thực hiện nền hành chính thống nhất, thông suốt, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ, làm việc trên nền tảng kỹ thuật số; cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2020 đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.
Bằng giải pháp chủ động, đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo đã giảm được thấp nhất mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt cao so với cả nước, đứng thứ tư khu vực đồng bằng sông Hồng (theo công bố của Tổng cục Thống kế). Quy mô nền kinh tế đạt 66.478,8 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 66,89 triệu đồng/người.
Thu ngân sách tiếp tục duy trì ở mức cao và đạt mức cao nhất so với năm đầu nhiệm kỳ; sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng; nông nghiệp được mùa, phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu; văn hóa - xã hội tiếp tục có tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường; công tác cải cách hành chính tiếp tục có nhiều điểm sáng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo.
Hoạt động của chính quyền các cấp có nhiều đổi mới, hiệu quả quản lý Nhà nước ngày càng được nâng cao. Đã có 12/16 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
P.V: Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đâu là điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của tỉnh năm vừa qua?
Đồng chí Phạm Quang Ngọc: Trong điều kiện "giãn cách xã hội", kể cả "trạng thái bình thường mới", dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp phải cắt giảm sản xuất do liên quan đến thị trường và nguồn cung nguyên vật liệu từ nước ngoài. Nhưng với quyết tâm kiểm soát dịch bệnh và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, do vậy sản xuất công nghiệp, xuất khẩu năm 2020, nhất là 6 tháng cuối năm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh ta đạt gần 85,76 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2019; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,38 tỷ USD, tăng 13,3% so với năm 2019 và vượt 8,2% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, giảm thiểu thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, không để các trang trại lớn bị ảnh hưởng; việc tái đàn trong chăn nuôi và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được quan tâm. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt 9.214 tỷ đồng, tăng 3,15% so với năm 2019. Sản lượng lương thực có hạt đạt gần 462,2 nghìn tấn, đạt 98% kế hoạch. Sản xuất thủy sản phát triển mạnh cả về nuôi trồng và khai thác; tổng sản lượng thủy hải sản ước đạt 60,7 nghìn tấn, tăng 10,2%. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đạt hiệu quả.
Do có sự nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, thu hút đầu tư của các cấp chính quyền cùng với sự tin tưởng, quyết tâm của các nhà đầu tư nên tổng vốn đầu tư phát triển năm 2020 vẫn vượt kế hoạch đề ra, đạt gần 25,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2019. Vì vậy, mặc dù khách du lịch giảm, doanh thu du lịch giảm còn 1.840 tỷ đồng so với 3.500 tỷ đồng năm 2019; nhưng tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu và đầu tư phát triển vẫn tạo nguồn thu, đóng góp ngân sách Nhà nước trên 21.500 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2019. Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay, là tỉnh tăng trưởng thu ngân sách cao nhất cả nước.
Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2020 sẽ là điều kiện, là nền tảng thuận lợi để kinh tế tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát triển đi lên trong năm 2021.
P.V:Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, xin đồng chí cho biết giải pháp cơ bản, trọng tâm để phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thảo luận phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội của tỉnh; ban hành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 trong đó đặt mục tiêu phải bảo vệ sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng GRDP năm 2020 trên 8%.
Quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện 3 khâu đột phá và 6 chương trình trọng tâm ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Cùng với quyết tâm phòng chống, khống chế dịch bệnh, thiên tai, UBND tỉnh xác định chủ đề năm 2021 là "Cải cách hành chính" với 7 giải pháp cụ thể từ sắp xếp tinh giản bộ máy, đào tạo cán bộ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, cụ thể hơn nữa là vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, các trung tâm một cửa ở cơ sở hiệu quả, số hóa thủ tục hành chính cấp độ cao hơn; đặc biệt là rà soát tháo gỡ những rào cản về cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn, huy động hiệu quả nguồn lực toàn xã hội, khai thác tiềm năng của tỉnh để phát triển.
Như vậy là song song với thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển công nghiệp tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ, hình thức sản xuất tiên tiến gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức Năm Du lịch quốc gia, từng bước phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước; phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân thì cải cách hành chính là nhiệm vụ hàng đầu, trọng tâm, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, tạo niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của người dân phát huy nguồn lực toàn xã hội, từng bước thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành tỉnh khá của đồng bằng sông Hồng ngay từ năm 2021.
Mục tiêu cao, khó khăn trước mắt còn nhiều với sự quyết tâm và các giải pháp đã đặt ra, tôi mong rằng, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu - đẹp - văn minh.
Nhân dịp bước sang năm mới 2021 và chuẩn bị đón Xuân Tân Sửu, qua Báo Ninh Bình, tôi kính chúc toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh cùng với bà con Ninh Bình đang sinh sống, học tập, công tác ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài đón năm mới với niềm tin và khí thế mới; người người, nhà nhà đều vui tươi, phấn khởi, bình an và thịnh vượng.