Nhân dịp này, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
PV: Xin đồng chí cho biết những nét khái quát về công tác chăm lo đời sống hộ nghèo của tỉnh những năm gần đây?
Đ/c Bùi Hoàng Hà: Công tác giảm nghèo của tỉnh những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân như đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, chợ, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, các công trình phúc lợi xã hội khác… được đầu tư xây dựng. Nhiều mô hình phát triển sản xuất chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi được hỗ trợ, đầu tư; các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật phù hợp với từng địa phương tại cộng đồng thôn, bản được triển khai. Công tác đào tạo nghề được đảm bảo, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Người nghèo đi xuất khẩu lao động được tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí học tiếng, học nghề định hướng, vay vốn ưu đãi.
Trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để đảm bảo cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách được hưởng đầy đủ các quyền lợi về khám, chữa bệnh. Năm 2012 toàn tỉnh đã cấp gần 90.000 thẻ BHYT cho người nghèo và cấp miễn phí trên 30.000 thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội. Cũng trong năm qua, tỉnh đã tiếp nhận 2.897 con bê giống do Tập đoàn Vingroup bàn giao cho các hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh; tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí, khám, chữa bệnh nhân đạo, từ thiện; học sinh, sinh viên con các gia đình hộ nghèo, cận nghèo và được xác nhận miễn giảm các khoản đóng góp, vở viết, sách giáo khoa, đồ dùng học tập, học bổng…
Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các đối tượng hộ cận nghèo giúp họ các điều kiện vươn lên không tái nghèo.
Do huy động được cả hệ thống chính trị và nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, đồng thời có sự tự vươn lên của một số hộ nghèo, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Tính đến tháng 12-2012, toàn tỉnh có 20.416 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,54%, có 3 phường không còn hộ nghèo là: Phường Đông Thành, Vân Giang, Thanh Bình (thành phố Ninh Bình). Có 7 phường tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%; Còn 8 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
PV: Có thể khẳng định, từ động lực là Đề án 02, 06 của Thường trực HĐND tỉnh về việc xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách, hoạt động giúp hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở đã được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia. Xin đồng chí có thể nói rõ thêm về hoạt động này trong năm qua?
Đ/c Bùi Hoàng Hà: Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác tuyên truyền, kêu gọi vận động sự quan tâm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và cả cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh, nhờ vậy hoạt động này được đẩy mạnh, thu hút sự tham gia của đông đảo các tập thể và cá nhân với tấm lòng "Tương thân, tương ái", "Lá lành đùm lá rách". Tiếp nối kết quả trong hoạt động xóa nhà dột nát các năm trước, trong năm qua toàn tỉnh đã vận động ủng hộ được gần 20 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân, đã tiến hành xây mới 499 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn toàn tỉnh do Quỹ Thiện tâm; Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn kinh tế Xuân Thành; Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Ninh Bình thông qua Chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn"; Báo Sài Gòn giải phóng; Tổng Công ty Thăm dò và khai thác khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Than - khoáng sản.
Có thể khẳng định, hoạt động xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh đã thực sự trở thành một phong trào mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng xã hội, giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ chính sách có cơ hội "an cư lạc nghiệp". Kế hoạch giúp hộ nghèo, hộ chính sách xây dựng nhà mới năm 2013 tiếp tục được triển khai. Bên cạnh việc hoàn thiện những ngôi nhà còn xây dựng chưa xong trong năm 2012, tỉnh tiếp tục vận động, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh góp sức vào hoạt động xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động hỗ trợ hộ nghèo để thu hút thêm nhiều nguồn lực chăm lo cho đời sống hộ nghèo nói chung, công tác xóa nhà dột nát nói riêng.
PV: Thời điểm Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang gần kề, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã có những chuẩn bị gì để mọi hộ nghèo đều được vui xuân, đón Tết?
Đ/c Bùi Hoàng Hà: Chuẩn bị mọi điều kiện cho Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chăm lo, thăm và tặng quà Tết cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để đảm bảo mọi đối tượng theo quy định đều được nhận quà Tết, có thêm điều kiện để đón Tết vui xuân đầm ấm. Tết Nguyên đán năm nay, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để chăm lo Tết cho các đối tượng (trong đó có hộ nghèo) với kinh phí dự kiến khoảng trên 40 tỷ đồng, so với năm 2012 tăng 6.820.320.000 đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 6,2 tỷ đồng đối tượng người có công, gia đình chính sách. Ngân sách tỉnh dự kiến trên 26 tỷ đồng; các huyện, thành phố, thị xã trên 5 tỷ đồng; các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm khoảng 5 tỷ đồng… Tỉnh đã quyết định nâng mức hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách cao hơn so với năm 2012: mức 500.000 đồng/hộ nghèo (cao hơn năm trước 200.000 đồng/hộ); mức 400.000 đồng/hộ cận nghèo (cao hơn năm trước 200.000 đồng/hộ).
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa được đẩy mạnh theo hướng thu hút thêm nhiều nguồn lực là sự ủng hộ của các doanh nghiệp, tập thể, các nhà hảo tâm cùng chăm lo Tết cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Hiện đã có tập đoàn Vingroup dành 2.500 suất quà với định mức 500.000 đồng/suất để tặng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trong tỉnh với kinh phí 1.250.000.000 đồng. Đây cũng là tập đoàn trong năm qua đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trong tỉnh 3.000 con bê và 135 ngôi nhà trị giá khoảng 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với phương châm "người người, nhà nhà đều có Tết" không để hộ thiếu đói do bão lụt, hoàn cảnh khó khăn… tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ gạo giáp hạt nhân dịp Tết Quý Tỵ đến nay đã phân bổ và hoàn thành việc cấp phát 500 tấn gạo tới tận tay người dân và tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục hỗ trợ thêm 2000 tấn gạo cho Tết Nguyên đán và vụ giáp hạt.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (Thực hiện)