P.V: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật từ phong trào hiến máu tình nguyện của huyện Nho Quan những năm qua? Đ/c Trần Xuân Thủy: Trong những năm gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện của huyện Nho Quan đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, nhất là đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Nhiều ĐVTN không chỉ nhiệt tình đăng ký hiến máu mà còn tích cực vận động người thân, gia đình, bạn bè, những người xung quanh cùng tham gia, góp phần nhân lên phong trào hiến máu tình nguyện tại địa phương. Thuận lợi của huyện trong các đợt hiến máu tình nguyện là luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong việc tạo mọi điều kiện để tổ chức thành công ngày hội hiến máu tình nguyện.
Bên cạnh đó, phong trào đã thu hút được sự tham gia, vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành, đoàn thể của huyện và các xã, thị trấn trong việc tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cán bộ, đoàn viên, thanh niên, hội viên và nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện, tạo mọi điều kiện để các tình nguyện viên tham dự các đợt hiến máu đầy đủ.
Từ năm 2010 đến nay, qua 6 lần triển khai ngày hội hiến máu tình nguyện, huyện Nho Quan đã thu hút trên 3.000 người tham gia, thu được 1.442 đơn vị máu, số đơn vị máu hàng năm thu gom được đều đạt và vượt chỉ tiêu Ban chỉ đạo tỉnh giao, được đánh giá là một trong những đơn vị tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh. Năm 2014, Nho Quan đạt được là 276 đơn vị máu, năm 2015 tăng lên 518 đơn vị máu, vượt 118 đơn vị máu so với chỉ tiêu giao.
P.V: Để thu hút đông đảo tình nguyện viên tham gia hiến máu, huyện Nho Quan đã có những giải pháp gì thưa đồng chí?
Đ/c Trần Xuân Thủy: Với thông điệp "Hiến máu một lần có thể cứu sống nhiều người bệnh", Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện huyện Nho Quan chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của hành động hiến máu cứu người tới các tầng lớp nhân dân để mọi người nhận thức được trách nhiệm của mỗi cá nhân cùng chung tay vì sức khỏe cộng đồng. Cùng với vai trò nòng cốt của Đoàn thanh niên trong phong trào hiến máu tình nguyện, Ban vận động hiến máu tình nguyện huyện đã chú trọng mở rộng đối tượng tham gia, nhất là đội ngũ tình nguyện viên là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, hội viên.
Để đội ngũ này hiểu được đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, giá trị nhân văn của việc hiến máu tình nguyện, Hội Chũ thập đỏ huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền trực quan bằng hệ thống pa nô, khẩu hiệu, gửi các văn bản, tờ rơi tuyên truyền đến các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Cùng với đó, Hội đã phối hợp với Đài Truyền thanh huyện phát các tin, bài về hoạt động của Hội, phổ biến các kiến thức liên quan đến việc hiến máu…
Do đặc thù của địa phương có 16% dân số là đồng bào dân tộc, sự tham gia của người dân còn hạn chế, Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thông qua các tổ chức đoàn thể ở xã, thôn. Qua các phương tiện thông tin đại chúng và những buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức, người dân trên địa bàn đã quan tâm hơn đến công tác này, có cái nhìn đúng đắn về việc hiến máu tình nguyện. Đến nay đối tượng tham gia hiến máu không chỉ tập trung tại khu vực thị trấn mà đã lan rộng ra các xã trên địa bàn huyện, nhất là đã thu hút được sự tham gia của đồng bào dân tộc.
P.V: Thưa đồng chí, với những người vẫn còn băn khoăn về việc hiến máu ảnh hưởng tới sức khỏe, đồng chí có lời khuyên gì để họ yên tâm, tích cực tham gia hiến máu tình nguyện?
Đ/c Trần Xuân Thủy: Với kinh nghiệm từ bản thân, đồng thời là người trong cuộc thực hiện công tác nhân đạo, từ thiện, hiến máu cứu người, tôi có thể chia sẻ một số thông tin như sau: Khoa học đã chứng minh máu có nhiều thành phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn luôn được đổi mới hàng ngày. Người khỏe mạnh mỗi lần hiến không quá 9ml/kg cân nặng sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Người 45kg có thể hiến từ trên 350ml máu mỗi lần. Hiến máu nhiều lần còn có thể giúp suy giảm nguy cơ ứ đọng sắt, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và là cách để mỗi người kiểm tra và tự giám sát sức khỏe của mình. Tham gia hiến máu, người hiến máu còn được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí, được kiểm tra và thông báo các kết quả xét nghiệm, được cấp giấy chứng nhận tham gia hiến máu, nhận quà lưu niệm và hỗ trợ một phần chi phí đi lại.
Theo các bác sĩ, có rất nhiều người cần được truyền máu, đó là những trường hợp mất máu do bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chấn thương, xuất huyết tiêu hóa, thảm họa, bệnh nhân mắc các bệnh lý về máu như ung thư máu, suy tủy sương, máu khó đông, xuất huyết giảm tiểu cầu, phẫu thuật tim mạch, cắt dạ dày, ghép tạng…
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm nước ta cần khoảng 2 triệu đơn vị máu để cấp cứu và điều trị. Nhưng trên thực tế, các bệnh viện mỗi năm chỉ thu gom được xấp xỉ 700.000 đơn vị máu, trong đó tỷ lệ máu hiến tình nguyện đạt 59%, chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu điều trị của người bệnh. Do vậy cần rất nhiều người tham gia hiến máu, đây là việc làm nhân đạo không chỉ giúp cứu chữa người bệnh mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho người hiến máu.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!
Hồng Vân (thực hiện)