Theo Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, Chủ tịch Hội đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội, "trái tim" của Hội chính là Ban liên lạc Hội. Trong nhiều năm qua, noi gương Bác Hồ vĩ đại, "Quê hương nghĩa trọng tình cao", Ban liên lạc Hội đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội đã có nhiều hành động thiết thực như: tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội - từ thiện, đóng góp xây dựng nông thôn mới...
Hàng năm tổ chức trao tặng hàng trăm suất học bổng cho những học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc.
Thực tế ghi nhận đã có nhiều người con có tấm lòng hảo tâm và trách nhiệm đã góp vốn đầu tư hoặc tích cực vận động xã hội hóa, tài trợ để xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa cộng đồng, các công trình thủy lợi cho tỉnh Ninh Bình với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Các CLB thầy thuốc và doanh nhân thường xuyên tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, thăm hỏi các đối tượng chính sách, tiếp sức cho sinh viên.
Cũng theo Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, tinh thần của Ban liên lạc và Hội đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội là luôn hướng về quê hương với tấm lòng và hành động thiết thực. Do đó, vừa qua, Ban liên lạc Hội đã tổ chức đoàn công tác về làm việc, báo cáo trực tiếp với lãnh đạo tỉnh về ý tưởng bảo tồn và phát huy giá trị di sản gốm Bồ Bát tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô.
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm chia sẻ: Hội đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội qua 42 năm được thành lập luôn xác định một trong những nội dung hoạt động chủ yếu của Hội là luôn hướng về quê hương, cùng chung tay đóng góp cho quê hương ngày càng giàu đẹp. Vì vậy, việc đề xuất ý tưởng "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản gốm Bồ Bát" vừa là tình cảm, trách nhiệm, vừa là niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương đối với chúng tôi.
Đồng thời cũng là nguyện vọng từ nhiều năm nay của cộng đồng con em quê hương Ninh Bình trong cả nước nói chung và ở Hà Nội nói riêng.
Đây cũng là nguyện vọng của các nghệ nhân cùng các thế hệ 19 dòng họ tại làng gốm Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội luôn hướng về nguồn cội, tỏ lòng tôn kính tri ân các bậc tiền nhân nghề gốm ở Bồ Bát, nơi di chỉ của một dòng di sản gốm đã có từ ngàn năm về trước.
Nhấn mạnh trách nhiệm và tình cảm hướng về quê hương, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm cho biết thêm: Từ năm 2018, Ban Liên lạc Hội đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội đã thực hiện kết nối với các cơ sở quản lý, bảo tồn và nghiên cứu về gốm ở nhiều nơi cũng như ở làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội để tham khảo, tìm hiểu, phát hiện các giá trị di sản gốm Bồ Bát - Bát Tràng.
Theo đó, các học giả và các nhà nghiên cứu về gốm đều đánh giá rất cao về di chỉ khảo cổ Mán Bạc và gốm cổ Bồ Bát, coi đây là di sản có giá trị tầm quốc gia cần phải được bảo tồn và phát huy giá trị trong thời kỳ mới.
Di chỉ khảo cổ Mán Bạc, gốm Bồ Bát khi được bảo tồn và phát huy giá trị di sản của nó sẽ trở thành tài sản to lớn, vô giá cả về tinh thần, vật chất đối với tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời còn là "hộ chiếu" vươn tầm ảnh hưởng về văn hóa cùng các giá trị khác để giao lưu trao đổi trên thị trường quốc tế.
Theo đề xuất của Ban liên lạc Hội, từ ý tưởng nêu trên sẽ xây dựng dự án: Tổ hợp bảo tồn và phát huy giá trị di sản gốm Bồ Bát; địa điểm xây dựng tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô.
Quy mô là một dự án lớn cấp tỉnh, trong tương lai có thể lập dự án cấp quốc gia, quốc tế. Các thành phần gồm có: bảo tàng lịch sử về di chỉ Mán Bạc; đền thờ các bậc tổ nghề có công kiến tạo, hình thành và phát triển nghề gốm Bồ Bát - Bát Tràng, có công góp phần xây dựng các công trình quan trọng Cố đô Hoa Lư, Hoàng thành Thăng Long và một số nơi khác.
Bên cạnh đó còn có Bảo tàng "Nghìn năm nghề gốm, đồ gốm Bồ Bát - Bát Tràng" từ thời Phùng Nguyên cho đến ngày nay; khi nâng cấp thành các dự án Quốc gia có thể chuyển thành trung tâm bảo tàng gốm Quốc gia; khu trưng bày các sản phẩm về gốm Bồ Bát - Bát Tràng và các dòng gốm Việt Nam để giới thiệu các sản phẩm, tham quan, giao lưu, dịch vụ, thương mại về gốm; khu tham quan, trải nghiệm, dạy nghề và phổ biến kiến thức về nghề gốm...
Được biết, Ban Liên lạc và Hội đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội rất phấn khởi vì ý tưởng đề xuất bảo tồn và phát huy giá trị di sản gốm Bồ Bát được các đồng chí lãnh đạo tỉnh quan tâm ủng hộ và đã có những chỉ đạo cụ thể đối với các sở, ngành, địa phương triển khai những nội dung phù hợp với thực tế.
Tin tưởng rằng không chỉ đề xuất ý tưởng, Ban Liên lạc và Hội đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội cùng với con em Ninh Bình trên khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài sẽ tiếp tục chung tay góp sức cùng với tỉnh để phát huy giá trị của hai di sản tầm quốc gia là di chỉ khảo cổ Mán Bạc và gốm cổ Bồ Bát, kết nối với các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh thành một không gian bảo tồn di sản độc đáo, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển nghề gốm, vừa góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng, kinh tế-xã hội nói chung của quê hương Ninh Bình.
Vân Giang