Loại trừ những hủ tục lạc hậu
Xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Ông Bùi Hồng Y, Trưởng thôn Đồng Bài khẳng định, thay đổi lớn nhất trong việc thực hiện nếp sống văn hóa mới theo quy ước, hương ước của thôn, đó là đồng bào Mường ở Quảng Lạc đã loại bỏ nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới hỏi.
Ông Bùi Hồng Y dẫn chứng: Đối với đồng bào dân tộc Mường, lễ cưới hỏi là một việc rất hệ trọng, có tính gắn kết cộng đồng rất cao, nhưng cũng tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Gia chủ tổ chức hôn lễ không nặng nhẹ vấn đề kinh tế, mà chỉ cố gắng tổ chức cho lễ cưới thật vui, thật đông đủ. Các lễ lạt cho một đám cưới khá rườm rà gồm: ngày dạm ngõ, ngày thách cưới, ngày đưa trầu, ngày xin cưới… và sau mỗi lễ ấy, gia chủ lại phải làm cỗ đến vài chục mâm để đãi làng. Vậy nên để xong một đám cưới thường phải mất từ 1 đến 2 tuần. Tổ chức đám cưới rình rang gây lãng phí về thời gian, công sức và tiền của. Để có điều kiện tổ chức đám cưới cho con, có nhà phải đi vay tiền hoặc vay lợn. Bởi đã là tập tục thì dù gia đình khá giả hay gia đình còn khó khăn cũng phải tổ chức như nhau. Bởi vậy mà với nhiều hộ gia đình thì bên cạnh niềm vui, hạnh phúc khi được tổ chức lễ cưới hỏi cho con lại là nỗi lo lắng khó chia sẻ cùng ai.
Bên cạnh đó, ở đồng bào Mường xưa, tục tảo hôn, ép duyên vẫn còn nhiều. Trai gái nên duyên vợ chồng nhờ tình yêu thì hiếm lắm. Chủ yếu là do bố mẹ hai bên thấy "hợp" là tác thành khi tuổi đời của các đôi uyên ương còn rất trẻ. Đó còn chưa kể, trong đám cưới còn dùng rất nhiều thuốc lá, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế, môi trường. Nhưng đó đã là câu chuyện của nhiều năm về trước. Giờ đây, đồng bào Mường ở Quảng Lạc đã loại bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới việc tang.
Ông Bùi Văn Gạc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc chia sẻ: Xác định rõ tầm quan trọng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, địa phương đã bám sát Chỉ thị số 27-CT/TW "Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội" (gọi tắt là Chỉ thị 27), và coi đây là cuốn "cẩm nang" bổ ích sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Lạc trong cuộc chiến xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Những nội dung cối lõi được chắt lọc để các thôn, bản đưa vào hương ước để bà con hiểu và có trách nhiệm làm theo. Nhờ đó, hiện nay, xã Quảng Lạc đã loại bỏ hoàn toàn một số hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu rườm rà, đã rút ngắn thời gian việc cưới xuống chỉ còn từ 1 đến 1,5 ngày. Nghi thức cưới theo phong tục cổ truyền chỉ còn rút lại từ 2 đến 3 bước là: dạm ngõ, ăn hỏi và cưới. Trong các đám cưới, nhiều nét văn hóa độc đáo đã được khôi phục như: hát đúm, giao duyên, mặc trang phục truyền thống…
Đặc biệt, về độ tuổi kết hôn đều thực hiện nghiêm chỉnh luật hôn nhân và gia đình: nam từ 20 tuổi trở lên và nữ từ 18 tuổi trở lên. Ở nhiều thôn, bản, các đoàn thể đã phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện nếp sống văn minh như không có thuốc lá trong đám cưới đã giúp cho nhiều gia đình tiết kiệm được những khoản chi phí không cần thiết. Một sự chuyển biến tích cực nữa, đó chính là các bậc phụ huynh đã quan tâm nhiều hơn đến hạnh phúc lứa đôi của con trẻ, bằng cách tạo điều kiện cho các con tự do tìm hiểu, kết hôn trên cơ sở tình yêu.
Gìn giữ sắc màu văn hóa đặc trưng
Đối với xã Thạch Bình, việc phát huy vai trò của các hương ước đã mang lại những hiệu quả rất tích cực trong công tác bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Điển hình là đã khôi phục và duy trì hoạt động của các đội cồng, chiêng.
Thôn Đồi Bồ là nơi đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Với người dân ở đây, cồng chiêng không đơn thuần chỉ là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng, linh thiêng và gắn bó gần như trọn vẹn đời sống của bà con. Một đứa trẻ khi mới được lọt lòng mẹ đã được tiếng chiêng hoan hỉ chào đón và loan báo tin mừng đến cộng đồng dân cư. Đến lúc trưởng thành, những chàng trai, cô gái đến tuổi trưởng thành, lập gia đình thì trong ngày cưới, đội chiêng sẽ đánh những tiếng chiêng chúc mừng hạnh phúc; cồng chiêng cũng thúc giục khí thế hăng say sản xuất khi vào vụ mới hay gọi nhà nhà đến chia vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no. Tiếng chiêng cũng là âm thanh đặc biệt, tri kỷ để tiễn đưa những linh hồn từ xứ Mường người về xứ Mường ma… Mặc dù có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống cộng đồng của người Mường, nhưng cũng như nhiều môn nghệ thuật dân tộc khác, văn hóa cồng chiêng ở thôn Đồi Bồ cũng đối mặt với nhiều nguy cơ mai một.
Bà Bùi Thị Tuất, Trưởng thôn Đồi Bồ cho biết: Rất may là thôn đã kịp thời lựa chọn và đưa nội dung bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng vào trong hương ước của thôn để mọi người dân cùng có trách nhiệm gìn giữ. Những người cao tuổi, những người yêu văn hóa cồng chiêng đã nỗ lực truyền thụ, lan tỏa tình yêu cồng chiêng cho cộng đồng, cho thế hệ trẻ một cách bình dị, mộc mạc. Vào những ngày rảnh rỗi, những thành viên đội chiêng lại mang chiêng cổ ra lau và kể những câu chuyện xúc động về nó cho thế hệ trẻ nghe. Từ đó, bồi đắp lòng tự hào cho thế hệ trẻ về văn hóa cồng chiêng của cha ông.
Ngoài ra, các thành viên của đội chiêng còn được mời đi giao lưu, biểu diễn ở nhiều nơi và đây cũng chính là dịp để các thành viên giới thiệu được cái hay, cái đặc sắc của văn hóa cồng chiêng của đồng bào Mường. Đội chiêng Đồi Bồ cũng được mời đi giảng dạy về nhạc cụ đặc biệt này ở Trường dân tộc nội trú của huyện Nho Quan.
Ông Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Những năm qua, các thôn, bản nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã rất chú trọng tới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm giúp đồng bào hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt, các thôn đã phát huy vai trò tự quản của cộng đồng tham gia vào việc xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước, trong đó có những nội dung, quy định cụ thể về việc bảo tồn các giá trị văn hóa.
Trên cơ sở các hương ước, quy ước đã được các thôn xây dựng, hàng năm xã tích cực chỉ đạo các thôn thực hiện sửa đổi, bổ sung vào hương ước các nội dung về văn hóa ứng xử và xây dựng nông thôn mới. Những nội dung, quy định không còn phù hợp sẽ được thay thế bằng nội dung mới phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại, văn minh. Từ đó, ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết trách nhiệm cũng như sự gắn bó, tình làng nghĩa xóm ở từng khu dân cư được vun đắp và khơi dậy. Các hủ tục lạc hậu giảm hẳn. Người dân càng phấn khởi và có ý thức hơn trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cộng đồng dân tộc thiểu số vốn sở hữu nhiều giá trị văn hóa rất đặc sắc song cũng tồn tại những hủ tục cần loại bỏ. Hiện nay, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã dày công "gạn đục, khơi trong" để đưa vào hương ước những nội dung văn minh, tiến bộ, vừa gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống nhưng cũng mạnh mẽ bài trừ những hủ tục lạc hậu, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa mới đa sắc màu.
Ông Trần Văn Mạnh, Phó phòng Văn hóa thông tin huyện Nho Quan cho biết thêm: Với những nỗ lực đó, hiện nay đồng bào Mường đã khôi phục lại được nhiều nét văn hóa đặc sắc từng có thời gian đối diện với nguy cơ mai một.
Cụ thể, đồng bào Mường đã đưa tiếng cồng, chiêng trở lại trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng; Có trên 80% người dân tộc Mường sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng; 90% hộ gia đình là người dân tộc Mường thường xuyên giao tiếp bằng tiếng dân tộc Mường trong sinh hoạt hàng ngày, trong đó chú trọng tổ chức các hoạt động truyền dạy cho các thế hệ thanh thiếu nhi.
Hiện nay, có 8 nghệ nhân còn lưu giữ một số loại hình nghệ thuật như: rằng thường chảy mợi, hát mo Mường, hát bọ mẹng, hát đúm, hát ru...
Bài, ảnh: Đào Hằng