Thời gian qua, BHXH tỉnh đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các sở, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao hiểu biết và nhận thức cho nhân dân về chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước, về các quy định của Luật BHYT... Bên cạnh đó, ngành đã phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người có thẻ BHYT, nhất là với đối tượng người thuộc hộ cận nghèo... Tạo thuận lợi cho nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Ngành đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức đối thoại chính sách BHXH, BHYT với nông dân, trong đó có người cận nghèo, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lập danh sách hộ cận nghèo để làm cơ sở phát hành thẻ BHYT, thực hiện cải cách hành chính trong khâu thu tiền, phát hành thẻ BHYT, tiếp đón và giải quyết các quyền lợi BHYT...
Để ngày càng nhiều người dân, trong đó có người cận nghèo được hưởng chính sách BHYT, BHXH tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Công văn số 92/UBND-VP6 ngày 29-5-2012 tăng cường chỉ đạo và thực hiện Luật BHXH, BHYT. BHXH tỉnh đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND ngày 2-7-2012 quy định mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước để đóng BHYT cho hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, nâng mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước để mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo lên 95%, đồng thời yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã hỗ trợ phần kinh phí (5%) còn lại để người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.
Đối với đối tượng học sinh, sinh viên không thuộc hộ cận nghèo đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục công lập do địa phương quản lý được hỗ trợ 40% mức đóng BHYT. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã có 39.895 người dân và 12.215 người cận nghèo tham gia BHYT.
Đến hết tháng 6-2012, toàn tỉnh có gần 600 nghìn người có thẻ BHYT, tương đương với 64,1% dân số, trong đó người nghèo: 88.765; trẻ em dưới 6 tuổi: 87.744; đối tượng bảo trợ xã hội: 30.577; người có công: 34.647; hưu trí: 48.297; học sinh sinh viên: 120.130; người cận nghèo: 12.215; nhân dân tự nguyện tham gia: 39.895.
Riêng đối với đối tượng là học sinh sinh viên, với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ có trách nhiệm giữa ngành Giáo dục - Đào tạo với cơ quan BHXH. Năm học 2011 - 2012, Ninh Bình có 95% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, là một trong ba tỉnh có tỷ lệ học sinh tham gia cao nhất cả nước. 6 tháng đầu năm 2012, tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT của nhân dân toàn tỉnh là 138,7 tỷ đồng, ước tính cả năm 2012 là 292 tỷ đồng.
Qua rà soát đối tượng hiện chỉ còn đối tượng người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thân nhân người lao động trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Nhà nước, xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể... là những đối tượng không thuộc diện bắt buộc hoặc không có hỗ trợ mua thẻ BHYT, do đó BHXH cần phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng để họ thấy rõ quyền lợi khi tham gia BHYT, nhất là khi mức giá viện phí được điều chỉnh cao lên sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nếu không có "bà đỡ" là tấm thẻ BHYT.
Bùi Diệu