Những dấu tích của một kinh đô Hoa Lư hùng tráng vẫn còn mãi in dấu trong lòng thủ đô như: Chùa Nhất Trụ, cầu Đông, cầu Dền… Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. P.V: Xin đồng chí cho biết rõ hơn về ý nghĩa của Hoa Lư xưa với Thăng Long- Hà Nội ngày nay?
Đồng chí Trần Hữu Bình: Hoa Lư- Ninh Bình và Thăng Long- Hà Nội có mối liên hệ khăng khít lâu bền. Trong lịch sử dân tộc đó là những dấu son đỏ, còn được lưu giữ trong chính sử cũng như trong truyền thuyết dân gian. Chúng ta tự hào rằng hơn 1.000 năm trước trên quê hương Ninh Bình đã sinh ra những anh hùng hào kiệt để rồi Thế giới biết đến Thăng Long- Hà Nội ngày nay. Chỉ còn hơn 500 ngày nữa cả nước ta sẽ long trọng tổ chức đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đây là sự biểu thị tình cảm và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước. Thông qua các hoạt động kỷ niệm nhằm giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc. Đồng thời giới thiệu với nhân dân cả nước về quê hương, con người, tiềm năng, thế mạnh, những nét văn hóa đặc sắc của Ninh Bình.
P.V: Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, tỉnhNinh Bình đã có những hoạt động nào chào mừng ngày đại lễ của dân tộc, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Hữu Bình: Tổ chức hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Các hoạt động của Ninh Bình phải gắn với các hoạt động của Thủ đô Hà Nội và chỉ đạo của Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trong năm 2010 và chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đảm bảo yêu cầu phong phú, thiết thực, hiệu quả, mang đậm bản sắc quê hương Ninh Bình.
Nội dung của hoạt động kỷ niệm bao gồm các hoạt động: tuyên truyền về chương trình có ý nghĩa quan trọng của đất nước, dân tộc; tu bổ, tôn tạo di tích và xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ Đại lễ; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học bảo tồn, phát huy, giới thiệu giá trị di tích Cố đô Hoa Lư; Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội tại địa phương và tham gia các hoạt động kỷ niệm với Thành phố Hà Nội.
Trong các nội dung hoạt động kỷ niệm, Ninh Bình đặc biệt coi trọng công tác tu bổ, tôn tạo di tích và xây dựng các công trình hạ tầng như: các công trình văn hóa, du lịch nằm trong vùng bảo tồn đặc biệt Cố đô Hoa Lư; các công trình văn hóa, du lịch có liên quan đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch Tràng An; Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê; Các công trình về thủy lợi kết hợp du lịch chuẩn bị đầu tư đến năm 2010; Các công trình về giao thông kết hợp du lịch chuẩn bị đầu tư và thi công một số hạng mục cấp bách đến năm 2010; Kế hoạch chỉnh trang đô thị thành phố Ninh Bình.
P.V: Thời gian đến ngày đại lễ không còn nhiều, nhưng các công trình chào mừng vẫn đang dở dang. Vậy theo đồng chí, liệu chúng ta có hoàn thành theo đúng tiến độ?
Đồng chí Trần Hữu Bình: Cho đến thời điểm này tất cả các công trình đã khởi công. Tuy nhiên, do vốn của chúng ta được huy động từ nhiều nguồn, tiến độ giải ngân còn chậm. Chúng ta cũng gặp phải một số khó khăn trong lựa chọn nhà thầu. Trong dự toán năm 2009, ngân sách Trung ương đã bố trí cho Tỉnh 300 tỷ đồng để thực hiện các dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Tuy nhiên, so với kế hoạch, chúng ta còn cần khoảng 850 tỷ đồng để thanh toán khối lượng đã hoàn thành và tiếp tục triển khai các công trình văn hóa phục vụ đại lễ. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ kế hoạch và đầu tư phối hợp với Bộ tài chính xem xét ứng vốn năm 2010 cho tỉnh để thực hiện. Đối với các dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, các bộ Kế hoạch và đầu tư, Tài chính bố trí ứng vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ để thực hiện. Đối với khu du lịch Tràng An, giao UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương sớm triển khai xây dựng, quy hoạch với yêu cầu phải xứng với quy mô, đảm bảo phát triển bền vững, đồng thời cho phép tổ chức thi tuyển tư vấn nước ngoài trong việc xây dựng, quy hoạch nếu thấy cần thiết.
Một khó khăn nữa ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công các công trình đó là việc chọn nhà thầu. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt quan trọng và cấp bách của các công trình trong điều kiện nguồn kinh phí chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu, cần lựa chọn những nhà thầu có năng lực tài chính, thiết bị, nhân lực để thi công hoàn thành theo đúng tiến độ, kịp phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 446/ TTg-KTN ngày 27-3-2009 về việc chỉ định thầu một số công trình cấp bách của tỉnh Ninh Bình, cho phép Ninh Bình được chỉ định thầu. Đây cũng là một yếu tố rất quan trọng giúp chúng ta hoàn thành các công trình theo đúng tiến độ đề ra.
Từ nay đến năm 2010, tỉnh ta đảm bảo sẽ hoàn thành một số hạng mục công trình quan trọng phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội như: Dự án xây dựng Cổng thành vào khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, dự án xây dựng Quảng trường, sân lễ hội phía trước đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành, dự án xây dựng Quảng trường, tượng đài vua Đinh Tiên Hoàng... Các công trình còn dang dở sẽ tiếp tục được hoàn thành vào các năm tiếp theo
P.V: Khu di tích lịch sử - văn hóa cố đô Hoa Lư là một trong những điểm nhấn quan trọng nằm trong chương trình Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Vậy, chúng ta đã có kế hoạch gì để tôn tạo, bảo tồn và nâng cấp khu di tích thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Hữu Bình: Hoa Lư là nơi phát tích 3 đời vua Đinh- Tiền Lê- Lý. Cố đô Hoa Lư là một gạch nối quan trọng trong lịch sử dân tộc, chính vì thế các di tích lịch sử của cố đô Hoa Lư nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt. Trong tổng thể các công trình chào mừng đại lễ kỷ niệm, chúng ta đã xây dựng kế hoạch bảo tồn và duy tu các di tích đã được xếp hạng Quốc gia nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt cố đô Hoa Lư: Đền thơ vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, Lăng vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, đền thờ công chúa Phất Kim, động Am Tiên, chùa Nhất Trụ và những di tích chưa được xếp hạng trong quần thể cố đô Hoa Lư: Chùa và động Liên Hoa, bia Cầu Dền, chùa Đìa, đền Bim, chùa Thủ, đền Vực Vông. Các di tích đã được xếp hạng di tích Quốc gia trên 2 trục đường chính vào Cố đô Hoa Lư: Động Thiên Tôn, Chùa Bàn Long và các di tích chưa được xếp hạng: Chùa Huê Lâm, Chùa Kỳ Vỹ, phủ Thành Hoàng, đền Lăng.
P.V: Trong chương trình của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, Ninh Bình sẽ là một trong những đầu cầu truyền hình trực tiếp, xin đồng chí cho biết những hoạt động cụ thể của tỉnh Ninh Bình?
Đồng chí Trần Hữu Bình: Trong chương trình của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Ninh Bình cùng với 1 số tỉnh bạn như: Bắc Ninh, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ sẽ là những điểm cầu trong buổi đại lễ. Chính vì thế UBND tỉnh đã gấp rút hoàn thành một số dự án quan trọng để phục vụ cầu truyền hình trực tiếp như: mở rộng sân lễ hội, di dời nhà bia tưởng niệm Lý Công Uẩn ra vị trí phù hợp, nghiên cứu xây dựng một mô hình thuyền đá tại vị trí bến thuyền sông Sào Khê để tưởng nhớ ngày vua Lý Thái Tổ dời kinh thành Hoa Lư ra Thăng Long, nhằm tái hiện lại lịch sử, góp phần vào ngày đại lễ kỷ niệm của dân tộc vào năm 2010 thêm sinh động và ý nghĩa. Ngoài ra, các công việc cụ thể cần làm trong buổi đại lễ chúng ta vẫn đang chờ kế hoạch chung của Ban tổ chức.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (thực hiện)