Ước mơ giản dị Đã trải qua những giai đoạn buồn đau nhất của cuộc đời khi chồng và cậu con trai thứ 2 lên 5 tuổi đều mất vì HIV, khi bình tâm lại, chị T.T.H, thành viên Câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng" ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn vẫn còn nhiều tiếc nuối. Tiếc nuối bởi khi đó vì quá đau khổ, tuyệt vọng nên chị đã tự giam mình trong ngôi nhà nhỏ nhiều tháng liền, không dám gặp gỡ, trò chuyện với ai để được chia sẻ. Tiếc nuối bởi không nắm bắt được thông tin về phòng, chống HIV/AIDS để biết được chương trình can thiệp giảm tác hại lây truyền HIV từ mẹ sang con…
Đến khi cả chồng và cậu con trai thứ 2 đều lần lượt ốm rồi chết vì HIV, qua tìm hiểu chị mới biết: con vi rút nguy hiểm này đã "lọt" vào gia đình chị thông qua ông chồng có một thời gian nghiện ma túy, dùng chung kim tiêm với bạn nghiện nên nhiễm HIV và về nhà vô tình lây truyền sang vợ. Đến khi có bầu cháu thứ 2, vì chủ quan và thiếu hiểu biết, chị T.T.H cũng không đi làm các xét nghiệm nên không biết mình đang mang giọt máu cũng nhiễm bệnh từ bố mẹ…
Với chị Dương Thị H (xã Trường Yên, Hoa Lư), 8 năm sống chung với căn bệnh HIV là bằng ấy thời gian khao khát sinh con luôn cháy bỏng trong lòng. Mong muốn là vậy nhưng chị H không dám bởi cả chị và chồng đều có H. Chị tâm sự: Cháu gái lớn đã 9, 10 tuổi trong khi cả hai vợ chồng đều trẻ nhưng lại không dám sinh tiếp bởi sợ sinh con ra sẽ nhiễm HIV như bố mẹ…
Những người phụ nữ nhiễm HIV mà chúng tôi đã gặp đều chung tâm trạng: Bố mẹ đã bệnh như vậy, con lại mắc bệnh thì tương lai của chúng sẽ như thế nào? Khi bố mẹ mất đi lấy ai chăm sóc, nuôi dạy? Bản thân những đứa trẻ sinh ra nhiễm HIV đã chịu nhiều thiệt thòi bởi dù xã hội đã không còn sự phân biệt, kỳ thị, nhưng khi đến trường, nhiều bạn bè vẫn lảng tránh, ngại chơi cùng. Chưa kể, nếu tương lai xa, khi những người bố, người mẹ có H mất đi, liệu anh em họ hàng nào muốn nhận về nuôi đứa cháu đã không khỏe mạnh, lại còn mang trong mình căn bệnh thế kỷ?
Hướng tới không còn trẻ sinh ra nhiễm HIV từ mẹ
Đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh để tìm hiểu về chương trình can thiệp giảm tác hại lây truyền HIV từ mẹ sang con, chúng tôi được bác sỹ Ngô Thị Hồng, Trưởng khoa Điều trị cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích. Ngoài lây truyền qua đường máu và đường tình dục thì lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính lây truyền HIV/AIDS. Khi mang thai, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm khoảng 25 - 40%, nghĩa là cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV thì có khoảng 36 trẻ bị lây nhiễm nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào để dự phòng.
Trong đó, lây truyền trong thời kỳ mang thai có thể xảy ra rất sớm, ngay từ khi người mẹ mang thai mới được 8 tuần. Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra muộn quanh thời kỳ chuyển dạ. Nguyên nhân khi đứa trẻ "đi qua" đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo (nuốt nước ối, virut trong máu và dịch âm đạo của mẹ có chứa HIV) hoặc do sự trao đổi máu mẹ - thai nhi khi chuyển dạ (ở giai đoạn này các cơn co tử cung của mẹ có thể "bơm mạnh" máu mẹ chứa HIV vào tuần hoàn của thai nhi làm cho trẻ dễ bị nhiễm HIV từ mẹ). Có khoảng 50- 60% số trẻ em bị lây truyền HIV trong giai đoạn này. Tuy nhiên nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn...
Sau khi sinh, trẻ vẫn có thể nhiễm HIV trong quá trình bú sữa mẹ, vì lúc này virut HIV dễ dàng truyền sang cơ thể bé qua các vết nứt ở núm vú của người mẹ khi trẻ đang mọc răng, bị tổn thương ở niêm mạc miệng hay HIV trong sữa mẹ có thể lây sang con theo đường tiêu hóa. Thời gian bú mẹ càng dài, trẻ càng có nhiều nguy cơ nhiễm HIV hơn.
Cùng với các địa phương trong cả nước, Ninh Bình là tỉnh được thụ hưởng các nội dung của chương trình can thiệp giảm tác hại lây truyền HIV từ mẹ sang con từ năm 2006. Với sự hỗ trợ từ dự án, tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Y tế Kim Sơn và Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh đã cung cấp các gói giảm tác hại lây truyền HIV từ mẹ sang con với nhiều hoạt động cụ thể. Ninh Bình đã tập trung thực hiện công tác truyền thông về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ; các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và hiệu quả của các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền này. Chú trọng tuyên truyền cho đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai về tình dục an toàn, phòng tránh có thai ngoài ý muốn, tư vấn cho phụ nữ sự cần thiết thực hiện khám sàng lọc, xét nghiệm HIV sớm…
Theo bác sỹ Ngô Thị Hồng, Trưởng khoa Điều trị (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh): Để phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, những phụ nữ khi mang thai đã tìm đến Trung tâm để được tư vấn và tiến hành xét nghiệm HIV sớm để biết mình có bị nhiễm HIV hay không. Nếu bị nhiễm HIV, người đó sẽ được bác sỹ của Trung tâm hướng dẫn sử dụng thuốc dự phòng sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con và được Trung tâm triển khai các biện pháp can thiệp đúng quy trình nhằm làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ sinh ra.
Thực tế từ năm 2006 triển khai chương trình dự án, Trung tâm đã theo dõi, quản lý có hệ thống và đưa ra các quyết định can thiệp phù hợp có hiệu quả cao làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con thông qua 3 giai đoạn: can thiệp trước sinh (tư vấn xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bổ sung vitamin, sắt, ARV...); can thiệp trong khi sinh (tư vấn xét nghiệm nhanh HIV, tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn, cân nhắc chỉ định mổ lấy thai…); Can thiệp sau sinh (chủ yếu là tư vấn cho người mẹ về những lợi ích và nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú, khuyến cáo bà mẹ nên nuôi trẻ bằng sữa thay thế…). Sau khi sinh con, từ nguồn kinh phí của chương trình, những bà mẹ nhiễm HIV còn được cung cấp sữa nuôi con miễn phí trong 6 tháng. Với những bà mẹ có H mà phần lớn đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đây là sự hỗ trợ ý nghĩa để họ nuôi con theo đúng phác đồ điều trị.
Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành tư vấn, xét nghiệm HIV cho khoảng 145.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phát hiện 69 bà mẹ mang thai nhiễm HIV, đã có 51 phụ nữ được điều trị, số trẻ sinh ra được can thiệp, điều trị thành công là 49/51 trẻ, đạt tỷ lệ 96%. Từ đầu năm đến nay, đã có 8 trường hợp bà mẹ có H mang thai, trong đó có 6 bà mẹ đã sinh con, chỉ có 1 trường hợp trẻ sinh ra dương tính với HIV. Trường hợp này rơi vào bà mẹ không trải qua giai đoạn điều trị can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại 3 cơ sở có cung cấp các gói can thiệp dự phòng mà sinh con tại trạm y tế xã.
Để chứng minh cho những báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh về hiệu quả của chương trình can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bác sỹ Ngô Thị Hồng đã đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh C- chị H tại xã Trường Yên (Hoa Lư). Khi được biết về thông tin của hoạt động can thiệp dự phòng, anh chị đã quyết định sinh thêm cháu thứ 2 vì hoàn toàn tin tưởng vào sự điều trị, chăm sóc của các bác sỹ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS mà trực tiếp là bác sỹ Ngô Thị Hồng. Tuân thủ đúng phác đồ điều trị là những gì mà vợ chồng anh C, chị H luôn cố gắng duy trì.
Trải qua nhiều lần xét nghiệm, đến nay khi cậu con trai đã hơn 1 tuổi, gia đình anh chị hoàn toàn yên tâm với cậu con trai khỏe mạnh, âm tính với HIV. Nhìn cậu bé lẫm chẫm đi lại quanh nhà, ai nấy đều nở nụ cười mãn nguyện. Với bác sỹ Ngô Thị Hồng, đây là niềm vui của người thầy thuốc áo trắng vì đã đem lại sức khỏe, hạnh phúc cho những bệnh nhân mà mình và đồng nghiệp đã gắn bó theo dõi, quản lý, điều trị suốt một thời gian dài.
Bài, ảnh: Phan Hiếu