Những kết quả quan trọng
Theo Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã quy định về đối tượng, quyền lợi, mức đóng và phương thức đóng BHYT của học sinh: Tất cả học sinh, sinh viên (HSSV) đều có quyền và nghĩa vụ tham gia BHYT. Nét mới quan trọng của BHYT đối với HSSV là chỉ đóng 70% phí bảo hiểm, 30% còn lại được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, theo quy định trong Luật BHYT mới, HSSV có thể đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tư nhân chứ không bắt buộc là cơ sở công lập. Tuy nhiên, nếu chọn cơ sở y tế tư nhân thì phải trả khoản chênh lệch (nếu có), riêng tiền thuốc men, xét nghiệm, chẩn đoán…thì gần như ngang nhau. Còn nếu đăng ký ở hệ thống y tế công lập thì HS ở huyện này có quyền đăng ký khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế ở huyện, thị khác và có quyền khám, chữa bệnh vượt tuyến.
Những nét mới đó trong Luật BHYT đã được BHXH tỉnh triển khai, tuyên truyền tích cực tới mọi tầng lớp nhân dân. Liên ngành BHXH và Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện Luật BHYT xuống các phòng giáo dục, các trường học trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, BHXH các huyện, thành phố, thị xã…, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Trước khi bước vào năm học mới, BHXH các huyện đã tham mưu với UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện trực tiếp làm trưởng ban, giao nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo các ngành thành viên có trách nhiệm thực hiện công tác BHYT học sinh.
Cùng với đó, các đơn vị BHXH trong tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện tới lãnh đạo phòng giáo dục, y tế, các xã, phường, thị trấn và trường học (từ khối tiểu học trở lên), phối hợp với Đài truyền thanh huyện, các nhà trường mở rộng hình thức tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách BHYT học sinh giúp các bậc phụ huynh nắm được quyền lợi khi tham gia BHYT trong khám, chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường và các trạm y tế xã.
Việc in thẻ BHYT cũng đã được phân cấp xuống BHXH các huyện, thành phố, thị xã thay vì phải tập trung in ở BHXH tỉnh như những năm trước. Đây là bước cải cách thủ tục hành chính quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHYT. Với những nỗ lực này, số HSSV có thẻ BHYT ở tỉnh ta tăng đều qua các năm. Cụ thể, năm học 2010-2011, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt 92,95%; năm học 2011-2012 đạt 94,01%; năm học 2012-2013 đạt 94,56%; năm học 2013-2014 đạt 95,18%. Một số địa phương có học sinh tham gia BHYT đạt tỷ lệ cao như: thị xã Tam Điệp, huyện Yên Mô, Hoa Lư… Ninh Bình là tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước về tỷ lệ học sinh có thẻ BHYT.
Vẫn còn những vướng mắc
Tuy nhiên, theo ông Đinh Khắc Thục, Trưởng phòng Thu, BHXH tỉnh cho biết: Hiện nay, có một số nguyên nhân cả về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện dẫn đến tình trạng HSSV tham gia BHYT chưa đủ 100% theo Luật định. Mặc dù Luật BHYT quy định HSSV là nhóm đối tượng thuộc trách nhiệm tham gia BHYT (trước đây gọi là bắt buộc), song lại chưa có chế tài bắt buộc tham gia nên quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn.
Mặt khác, với việc trở thành đối tượng bắt buộc tham gia thẻ BHYT, mức đóng bình quân của HSSV là 3% mức lương tối thiểu. Cụ thể, áp mức lương ở thời điểm hiện tại thì bình quân là 414 nghìn đồng/thẻ. Vì vậy, mặc dù được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30%, tỉnh hỗ trợ thêm 10% nhưng phụ huynh vẫn phải bỏ ra số tiền là 248 nghìn đồng để mua mỗi thẻ. Đây không phải là số tiền lớn, song với những gia đình ở nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn, có đông con đi học thì lại trở thành gánh nặng lớn, nhất là khi vào thời điểm đầu năm, các phụ huynh còn phải lo rất nhiều khoản đóng góp khác cho nhà trường. Hiện, Kim Sơn là địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT học sinh thấp nhất tỉnh với tỷ lệ học sinh tham gia đạt 86%.
Trong khi đó, Luật BHYT cũng đã quy định là không có chế độ thu phí, lệ phí cho các đại lý thu bảo hiểm cho đối tượng HSSV. Bởi lẽ, đã là đối tượng bắt buộc thì không cần phí vận động. Ông Đinh Khắc Thục, Trưởng phòng thu BHXH tỉnh nhận định: Vai trò của nhà trường, đội ngũ giáo viên trong việc tuyên truyền, vận động HSSV tham gia là rất quan trọng. Đặc thù hoạt động của ngành bảo hiểm là mạng lưới chân rết càng dày, có cơ chế nuôi đại lý thu-tức kinh phí tuyên truyền vận động tham gia bảo hiểm- thì mới vận động được nhiều người tham gia. Còn nay, với việc lệ phí 4% bị cắt - bởi luật quy định đã bắt buộc thì không cần phí vận động, việc phát triển đối tượng tham gia rất khó khăn. Trong khi đó, các hãng Bảo hiểm thương mại khác thường vào tận các trường học để tuyên truyền và triển khai các chương trình khuyến mãi, tặng quà… thu hút được nhiều đối tượng tham gia.
Tại một số địa phương, sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về BHYT HSSV còn chưa thật sự sát sao, sự phối hợp giữa ngành BHXH và giáo dục chưa chặt chẽ. Vẫn còn tình trạng lãnh đạo nhà trường cho rằng, BHYT HSSV là tự nguyện hoặc đánh đồng với các sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm thương mại khác. Công tác bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT còn một số hạn chế. Việc tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT nói chung và HSSV nói riêng chưa thực sự thuận lợi để khuyến khích tham gia BHYT... Ngoài ra, có một thực tế khác đó là tỷ lệ tham gia BHYT đối với học sinh phổ thông cao hơn so với sinh viên các trường chuyên nghiệp, nhất là sinh viên của các trường do bộ, ngành quản lý. Tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT giảm dần qua các năm học đã tạo ra "vùng trắng" đối với nhóm đối tượng này.
Thực tế cho thấy, BHYT HSSV đã phát huy hiệu quả từ việc xây dựng y tế học đường đến đảm bảo quyền lợi cho HSSV khi điều trị tại các cơ sở y tế. Hàng năm, có rất nhiều trường hợp học sinh ốm đau, được quỹ BHYT chi trả chi phí cao (từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng).
Năm học mới 2014-2015 đã đến. Và với ngành BHXH thì đây cũng là thời điểm để bắt đầu thực hiện mục tiêu đạt 98-100% HSSV tham gia BHYT. Để thực hiện được mục tiêu này và quan trọng hơn cả là để những lợi ích thiết thực khi tham gia BHYT đến được với các em HSSV, rất cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của các nhà trường và tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Với 2 ngành BHXH và Y tế cũng có nhiều việc phải làm. Ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chính sách BHYT còn phải tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, giải quyết quyền lợi cho người bệnh, đảm bảo sự công bằng trong khám, chữa bệnh.
Nguyễn Hùng