Nhiều mô hình tổ chức sản xuất mới
Năm 2012, Ninh Bình triển khai dự án xây dựng cánh đồng kiểu mẫu sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, từng bước cụ thể hóa phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo hướng VietGAP tại huyện Yên Khánh. Ngay trong vụ sản xuất đầu tiên, 7 vùng sản xuất quy mô mỗi vùng trên 100 ha đã hình thành và có trên 5.500 hộ nông dân tham gia. Do được cấy đồng trà, đồng giống nên có điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tiết kiệm chi phí và hao hụt trong quá trình sản xuất. Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh, năm 2012, mỗi ha lúa tham gia trong cánh đồng mẫu lớn, người sản xuất có thể thu lời thêm từ 4,6-5,5 triệu đồng/ha. Chi phí sản xuất giảm 10-15%, trong khi năng suất lúa tăng khoảng 10%.
Với thực tế sản xuất nông nghiệp lâu nay còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, không có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân thì mô hình cánh đồng mẫu lớn là một trong những mô hình liên kết đạt hiệu quả cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. ở đây nông dân có thể tiếp cận với các loại phân bón, vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất với giá cả ổn định và chất lượng đảm bảo, đồng thời tăng giá nông sản ở đầu ra, giúp nâng cao thu nhập. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là hướng đi tất yếu, cũng là giải pháp thiết thực nhất để tiến tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn trong tương lai. Hiện nay, mô hình cánh đồng mẫu lớn không chỉ giới hạn ở huyện Yên Khánh mà đã lan rộng ra các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Mô hình cánh đồng mẫu lớn không chỉ giới hạn ở sản xuất lúa mà đang được áp dụng sáng tạo sang sản xuất cây màu, sản xuất vụ đông. Xu hướng sắp tới, từ cánh đồng mẫu lớn tỉnh ta sẽ xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa và xây dựng thương hiệu lúa gạo từ các vùng nguyên liệu sản xuất theo VietGAP.
Bên cạnh mô hình cánh đồng mẫu lớn, những năm gần đây, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP cũng đã được Sở Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức áp dụng thành công tại các địa phương. Điển hình như các mô hình: trồng rau an toàn theo hướng VietGAP tại xã Sơn Hà (Nho Quan), mô hình nuôi lợn theo hướng VietGAP ở các huyện Nho Quan, Kim Sơn, thị xã Tam Điệp... Không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP còn giúp nông dân nâng cao nhận thức về vấn đề chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Cùng với đó, hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản gắn kết nông dân sản xuất nguyên liệu với nhà máy chế biến và thương mại cũng đang dần phổ biến. Điển hình như mô hình liên kết sản xuất của công ty TNHH Hoàng Lê, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang, Tổng Công ty Giống cây trồng miền Nam… Trong mô hình này, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ. Nông dân sản xuất theo hợp đồng và được hỗ trợ một phần chi phí giống, phân bón, nhờ vậy thu nhập của nông dân luôn ổn định và cao hơn so với sản xuất tự do.
Đặc biệt, hiện nay nông nghiệp Ninh Bình cũng đang đầu tư mạnh cho khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản nông sản, một trong những khâu quan trọng để nâng cao phẩm cấp, chất lượng nông sản. Với mức hỗ trợ 50% chi phí đầu tư, vụ mùa 2013 tỉnh ta đã hỗ trợ xây dựng được 5 lò sấy cho các xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Nhạc và Công ty cổ phần Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình. Và một nhà máy chế biến gạo xuất khẩu có công suất 50 nghìn tấn, số vốn trên 100 tỷ đồng cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, hướng tới chế biến gạo xuất khẩu. Ông Bùi Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Khi mà bà con nông dân đang dần hướng tới sản xuất quy mô lớn thì việc đưa máy sấy vào là rất thích hợp, nhất là đối với những vùng sản xuất lúa giống vì nó góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản. Ngoài sấy lúa, lò có thể dùng sấy các nông sản khác, tránh những mất mùa ngay trong nhà vì không thể phơi phóng được khi gặp thời tiết bất thuận.
Thời gian gần đây còn có hàng trăm các mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại kiểu mới được hình thành. Toàn tỉnh hiện có 259 HTX nông nghiệp, 797 trang trại, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, HTX, trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần khai thác tiềm năng đất đai và tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Có thể khẳng định những hình thức sản xuất, những mô hình mới trên đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Ninh Bình phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Tăng trưởng sản xuất duy trì ở mức bình quân 4%/năm. Nhiều lĩnh vực sản xuất được mở rộng về diện tích cũng như tăng trưởng về sản lượng như: lúa, thủy hải sản, con nuôi đặc sản, tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Sản lượng lương thực có hạt đạt trên 51,4 vạn tấn, tăng 2,6 lần so với năm 1991.
Hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững
Trên thực tế, sự ra đời và phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp là rất phong phú, đa dạng, hợp với điều kiện cụ thể ở các địa phương, điều kiện sản xuất đặc thù của mỗi loại sản phẩm. Sự thành công bước đầu của các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp đang mở ra tương lai cho sự phát triển của nền nông nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên, sự phát triển và nhân rộng đối với các mô hình mới này vẫn còn nhiều hạn chế.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn mới chủ yếu tập trung hỗ trợ được đầu vào mà chưa hỗ trợ, giải quyết được những khó khăn của đầu ra. Mức độ tiêu thụ nông sản hàng hóa của người nông dân còn thấp, giá cả lên xuống bấp bênh, không ổn định. Hiện tượng được mùa mất giá vẫn tiếp tục xảy ra khiến người sản xuất lo lắng, không yên tâm đầu tư. Trong các chuỗi giá trị nông sản, việc đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản vẫn còn những bất cập, vì thế giá trị gia tăng của các sản phẩm nông sản chưa cao. Bên cạnh đó, việc phát triển và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới còn rất hạn chế. Việc áp dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn sang các loại hình, khu vực sản xuất khác diễn ra khá chậm. Ngoài ra, ở một số mô hình liên kết, tuy doanh nghiệp đã hỗ trợ giống vốn đầu vào, đã chia sẻ được rủi ro với nông dân nhưng sự phát triển chậm và yếu của khu vực kinh tế tập thể đang hạn chế khả năng đầu tư và liên kết của các doanh nghiệp trong hoạt động này.
Với quan điểm khai thác tiềm năng, thế mạnh các nguồn lực phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết sẽ tiếp tục khuyến khích sự hình thành, phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới. Thực hiện tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp. Chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có hiệu quả, nhất là các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao để nhân rộng vào sản xuất. áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế những tác động bất lợi của thời tiết.
Sở Nông nghiệp & PTNT cũng đang nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn, các chính sách phát triển bền vững các sản phẩm nông sản chiến lược của Ninh Bình như gạo, dê núi, ngao… Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường tiếp thị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích phát triển hệ thống dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Coi trọng xây dựng các tổ chức kinh tế tập thể làm cầu nối với các nhà khoa học và doanh nghiệp.
Hà Phương