Giải pháp bảo vệ môi trường
Đã từ lâu việc phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi trong khi vẫn đảm bảo vấn đề môi trường là câu hỏi đặt ra đối với các hộ chăn nuôi ở huyện Yên Mô. Bởi chăn nuôi với quy mô gia đình là khá phổ biến, nhiều hộ thường xuyên nuôi từ 3-5 con lợn, hoặc một hai con bò, chưa kể đến những trang trại, gia trại có quy mô lớn hơn. Nếu tính bình quân một con lợn mỗi ngày thải ra từ 2 - 4 kg phân và một con trâu, bò thải ra từ 15-20 kg phân thì số lượng phân phải xử lý là khá lớn. Số chất thải này nếu không được xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường nước và không khí. Đó còn là điều kiện để phát sinh các nguồn dịch bệnh truyền nhiễm cho người và gia súc, gia cầm.
Từ năm 2003, Dự án "Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam" của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan đã được triển khai trên địa bàn huyện. Yên Mô nhanh chóng triển khai ứng dụng công nghệ khí sinh học biogas xử lý chất thải chăn nuôi tạo ra khí gas phục vụ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày trong hộ gia đình với sự hỗ trợ về kỹ thuật và số tiền 1 triệu đồng/hầm. Kết quả, các hầm Biogas đã đem lại lợi ích rất rõ rệt.
Anh Tống Xuân Sáu (xóm Giò, xã Yên Hưng) cho biết, là hộ buôn bán và chuyên giết mổ lợn, nên trong nhà anh luôn có từ 5 đến 10 con lợn thịt cùng với phế phẩm giết mổ nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Diện tích nhà anh cũng không rộng nên trước kia "chưa vào đến nhà đã gửi thấy mùi hôi. Ruồi, muỗi lúc nào cũng đầy nhà rất mất vệ sinh. Từ khi có dự án khí sinh học do Phòng NN&PTNT huyện triển khai, gia đình anh đã đăng ký tham gia. Với kết cấu khép kín và sử dụng triệt để nguồn chất thải trong chăn nuôi, sinh hoạt, công trình khí sinh học giúp gia đình anh giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đứng bên chiếc bếp sử dụng khí sinh học, bà Lê Thị Khâu cho biết: "Tôi thường chỉ sử dụng rơm rạ làm chất đốt, bụi bặm và rất nóng bức. Bây giờ được sử dụng bếp này quả thật rất nhàn hạ, vừa nhanh lại sạch sẽ. Mấy hôm nay, tuy mất điện nhưng nhờ có đèn sử dụng khí sinh học mà nhà tôi vẫn đủ ánh sáng sinh hoạt".
Hiệu quả kinh tế cao
Anh Mai Quốc Hiệu - một chủ trang trại tại thôn Kim Bảng (xã Yên Phú) phấn khởi cho biết: Kể từ khi sử dụng hầm khí biogas thì vấn đề ô nhiễm môi trường của gia đình đã được giải quyết triệt để. Không chỉ giữ gìn vệ sinh chung cho cả xóm mà quan trọng hơn gia đình còn chủ động được nguồn khí đốt cung cấp thường xuyên cho sinh hoạt hàng ngày. Sau khi xây công trình khí sinh học, gia đình anh đã tiết kiệm được 100% chi phí chất đốt trong sinh hoạt và một phần nguồn điện thắp sáng, mỗi tháng anh đã tiết kiệm được 300-400 nghìn đồng. Đấy là chưa nói đến việc sử dụng phụ phẩm để làm phân bón cho lúa và cây màu. Chất thải sau khi xử lý trở thành một loại phân bón rất giàu chất sinh dưỡng, cứ 0,5 m3 có thể thay thế cho 10 đến 15 kg lân.Vụ đông xuân vừa qua, gia đình anh sử dụng phụ phẩm sinh học và tiết kiệm được khoảng 700 nghìn đồng tiền phân bón cho 8 sào lúa. Lúa tốt hơn so với nhiều nhà cùng thửa ruộng, năng suất đạt 2,6 tạ/sào.
Theo đồng chí Phạm Trọng Nguyên, Phó phòng NN&PTNT huyện, đến nay, huyện đã xây dựng được 369 công trình khí sinh học biogas. Tùy theo kinh tế và quy mô chăn nuôi từng nhà mà bể được xây dựng từ 9,5 m3 - 13,5 m3. Mỗi bể có giá thấp nhất khoảng 3,5 triệu đồng. Theo tính toán, mỗi công trình khí sinh học khi nuôi đủ số gia súc theo quy định, sẽ cung cấp thường xuyên nhu cầu chất đốt cho sinh hoạt gia đình từ 5-8 nhân khẩu, tương đương với lượng gas hóa lỏng từ 1 - 1,5 bình/tháng. Nếu tính theo giá gas hiện nay, mỗi tháng người chăn nuôi tiết kiệm được trên 300 nghìn đồng. Theo kết cấu xây dựng, tuổi thọ trung bình của công trình khoảng 10 năm, như vậy chỉ tính riêng khoản chất đốt, thì 1 năm các hộ sẽ thu hồi được vốn. Mặt khác, việc sử dụng khí sinh học làm chất đốt đã để lại một lượng rơm rạ khá lớn dành cho chăn nuôi, làm nấm, phân bón...
Quốc Khang