Hiện nay ở HTX nông nghiệp Đồng Xuân Tiến, người nông dân đã có cách nhìn mới về sản xuất nông nghiệp. Không còn sản xuất manh mún, ai mạnh thì làm như trước, các hộ dân đã hình thành nên các tổ nhóm sản xuất các cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao với quy mô lớn.
Đặc biệt, từ khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, qua các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền, nhận thức của người dân đã thay đổi và dần hình thành cách làm mới là sản xuất nông nghiệp hiệu quả theo hướng an toàn. Nhiều thửa ruộng trước đây sản xuất rau theo phương pháp truyền thống đã được người dân chuyển sang sản xuất rau an toàn ở vụ Xuân này với các cây trồng như bí xanh, cà chua, mướp đắng,....
Đang tỉa lá, chăm sóc cho hơn 700 m2 cà chua trái vụ, bác Phạm Ngọc Hiền, thành viên của HTX nông nghiệp Đồng Xuân Tiến cho biết: "Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, được tham gia lớp tập huấn do Sở nông nghiệp & PTNT tổ chức, chúng tôi đã hiểu như thế nào là sản xuất nông nghiệp an toàn và hiệu quả mang lại.
Theo đó, khi trồng các cây như cà chua tôi không dùng phân hóa học mà dùng bằng phân hữu cơ hoai mục, phân vi sinh và tưới bằng nguồn nước thủy triều sạch. Khi trái chín để chín tự nhiên, không giấm hóa chất.
Trong quá trình chăm sóc, phòng trị bệnh cần chú ý tỉa lá già ở gốc để ánh sáng chiếu vào, tránh sâu bệnh, đồng thời cây tập trung nuôi quả. Cách phòng trị bệnh cho cây trồng cũng khác trước, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, còn nếu phải dùng thì tuân thủ đúng theo quy trình sản xuất rau an toàn. Ngoài trồng cà chua, hiện nay gia đình tôi còn trồng mướp đắng và các loại rau màu khác cho hiệu quả kinh tế cao".
Được biết, HTX nông nghiệp Đồng Xuân Tiến có diện tích đất nông nghiệp 288,5 ha, trong đó có 255,5 ha trồng lúa và 33 ha đất thổ canh và nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, nhờ sự sáng tạo, nhạy bén trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất thâm canh, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, con nuôi nên sản xuất nông nghiệp của HTX có bước phát triển và mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân.
Hiện nay 100% diện tích lúa gieo cấy ở trà Xuân muộn và Mùa sớm với các giống lúa thuần chất lượng, có giá trị kinh tế cao như Bắc thơm số 7, LT2, Thiên ưu 8, TBR288. HTX đã quy hoạch cánh đồng mẫu trên diện tích 196 ha để thực hiện thâm canh đồng trà, đồng giống, cho hiệu quả kinh tế cao. Trong sản xuất, HTX đã đưa cơ giới vào khâu làm đất đạt 100% và thu hoạch đạt 80-90% diện tích.
Thành công trong đưa cơ giới vào canh tác nông nghiệp đã và đang góp phần tăng năng suất lao động, bảo đảm cho sản xuất và thu hoạch kịp thời. ở vụ Đông, Đồng Xuân Tiến tích cực mở rộng sản xuất các cây trồng có giá trị kinh tế cao trên đất hai lúa như dưa bao tử, ngô ngọt, cà chua nhót, ớt, cây dược liệu xuất khẩu, mướp đắng, bí xanh, mướp nhật, rau trái vụ,... với giá trị sản xuất hàng năm đạt từ 5,7 đến 6 tỷ đồng.
Cùng với trồng trọt, HTX quan tâm phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại đa dạng các đối tượng vật nuôi như Bò laisin, dê bách thảo, lợn siêu nạc, vịt, gà,...Theo thống kê sơ bộ HTX có 55 trang trại và gia trại, mỗi năm cho thu nhập từ 3 đến 5 tỷ đồng, góp phần không nhỏ tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho thành viên.
Ông Nguyễn Hoàng Kim, Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Xuân Tiến cho biết: Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trên cơ sở kết quả và nền sản xuất hiện có, HTX thực hiện quy hoạch các khu sản xuất tập trung, trong đó ưu tiên cho sản xuất các cây rau hàng hóa xuất khẩu, các con nuôi có giá trị mà nhân dân đã thực hiện thành công nhiều năm qua.
Đồng thời phối hợp với xã, huyện và tỉnh đã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân về sản xuất rau an toàn, lúa an toàn,....
Sau khi tham gia tập huấn, bà con nông dân tích cực thực hiện sản xuất rau an toàn với diện tích 5-7 ha ở vụ Xuân và cả năm ước tính diện tích lên đến cả trăm ha. HTX đã phối hợp với ngành khoa học đầu tư 3.000 m2 nhà lưới, nhà kính để ươm cây giống cung cấp cho nhân dân trồng rau sạch và xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn. Các mô hình sản xuất rau an toàn bước đầu cho hiệu quả, năng suất, chất lượng cao hơn so với mô hình đối chứng.
Về cây lúa, HTX bắt đầu triển khai các đề tài khoa học trồng lúa chất lượng cao an toàn trên diện tích 15 ha và thực hiện sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Việt Gap cho Công ty cổ phần giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình với diện tích 150 ha. Sau khi thực hiện thành công các mô hình sản xuất lúa an toàn, HTX sẽ tập trung khuyến khích các thành viên nhân ra diện rộng.
Ngoài xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, HTX còn chủ động tìm và ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu đầu ra sản phẩm nông nghiệp an toàn cho bà con nông dân. Đây được coi là khâu then chốt trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn bởi nó tạo niềm tin cho người nông dân yên tâm mở rộng sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Hồng Giang