Kim Sơn có 15 km bờ biển, biển bồi, ngoài lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch, còn khá thuận lợi cho việc khai thác hải sản. Trước đây, thời bao cấp trên địa bàn huyện Kim Sơn có HTX Hải Tiến thuộc xã Kim Chính, chuyên khai thác và chế biến hải sản.
Tài sản của HTX Hải Tiến khi đó đã có 8 đôi tàu đánh bắt hải sản xa bờ, sau khi chuyển đổi cơ chế thị trường, hợp tác xã làm ăn thua lỗ, bị giải thể, song nghề khai thác hải sản vẫn duy trì dưới dạng kinh tế hộ, quy mô khai thác giảm.
Hiện nay trên địa bàn huyện Kim Sơn có hàng ngàn người hành nghề khai thác hải sản, chủ yếu là đánh bắt gần bờ. Riêng xã Kim Chính hiện nay có khoảng 200 lao động đang hành nghề đánh bắt hải sản.
Ông Trần Văn Diệm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX khai thác hải sản Kim Chính cho biết: Một số hộ gia đình còn duy trì được tàu riêng: Hiện còn có 2 chiếc mã lực 450 kv, 2 chiếc mã lực 150 kv đánh bắt, khai thác xa bờ, 1 chiếc mã lực 90 kv khai thác gần bờ. Số lao động còn lại đa phần không có tàu riêng, phải đi làm thuê cho các tàu khai thác hải sản của Thanh Hóa.
Các lao động đi làm thuê này mong ước có được tổ chức đứng ra liên doanh, liên kết góp vốn và vay thêm vốn của Nhà nước để đóng tàu, được làm chủ phương tiện, như vậy, kinh tế gia đình họ mới phát triển. Xuất phát từ mục đích đó, HTX khai thác hải sản Kim Chính được thành lập. Ngành nghề chủ yếu của HTX là khai thác hải sản xa bờ và gần bờ, sau này đủ điều kiện về vốn sẽ phát triển chế biến hải sản.
Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và chính quyền các cấp, tháng 11 năm 2015, HTX khai thác hải sản Kim Chính chính thức được thành lập. Đây cũng là hợp tác xã khai thác hải sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
HTX có 29 thành viên, gồm các hộ gia đình làm nghề khai thác, đánh bắt hải sản trên địa bàn xã Kim Chính và xã Cồn Thoi. HTX có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, thành viên góp tối thiểu là 300 triệu đồng và thành viên góp tối đa là 20 tỷ đồng.
Thông qua tổ chức HTX, các thành viên góp vốn tạo thành vốn chung để mua sắm phương tiện, cùng nhau khai thác hải sản, chung trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó là việc đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào khai thác hải sản, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho các thành viên.
Từ đây, tâm nguyện, ước mơ của nhiều ngư dân được làm chủ phương tiện ra khơi đánh bắt đã trở thành sự thực, đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Giai đoạn đầu, công cụ khai thác của HTX là các tàu sẵn có do thành viên đóng góp. Ngay trong tháng 11, 4 chiếc tàu có công suất khá đã tiến hành ra khơi đánh bắt xa bờ, 1 chiếc tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ.
Giai đoạn tiếp theo, các thành viên HTX dự định sẽ vay thêm vốn Nhà nước để mua thêm 2 cặp tàu lớn với công suất trên 1000 kv và 3 chiếc tàu nhỏ để đẩy mạnh việc khai thác cả xa bờ và gần bờ.
HTX đã có kế hoạch tổ chức quản lý, sử dụng vốn góp của các thành viên và vốn huy động một cách chặt chẽ, hiệu quả, nhằm đảm bảo sản xuất và kinh doanh có lãi.
Thế kỷ XXI, "Thế kỷ của biển và đại dương", trong điều kiện các nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, các nước ngày càng quan tâm đến biển. Khai thác biển đã trở thành vấn đề quan trọng, mang tính chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Không chỉ nhằm mục đích duy nhất là phát triển kinh tế, khai thác biển còn góp phần quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền trên biển - một vấn đề đã và đang được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Chính vì vậy, phát triển khai thác hải sản xa bờ là một trong những nhiệm vụ lớn mà các địa phương ven biển cần chú trọng.
Ông Đoàn Kim Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn nhận định: Việc ra đời của HTX khai thác hải sản Kim Chính sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, từng bước nâng cao đời sống ngư dân vùng biển, đặc biệt là góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thái Học