Xã Chất Bình hiện có 2 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, đó là HTX Cộng Thành và Hợp Thành. Diện tích đất trồng lúa mỗi vụ của xã là hơn 330ha, trong đó diện tích thuộc quyền quản lý của HTX Cộng Thành là 150ha, mỗi năm sản lượng đạt hơn 1.600 tấn lúa gạo.
Tuy năng suất, sản lượng và chất lượng lúa ngày một cải thiện, song sản xuất nông nghiệp của các hộ xã viên vẫn gặp phải những khó khăn cố hữu như thời tiết, sâu bệnh... Mặt khác, tình trạng thiếu lao động nông nghiệp, chi phí sản xuất lớn làm giảm lợi nhuận người nông dân thu về đã khiến một bộ phận xã viên của HTX nảy sinh tâm lý chán nản, không còn thiết tha với nghề nông.
Ông Hoàng Ngọc Mây, Giám đốc HTX nông nghiệp Cộng Thành cho biết: Với sự xuất hiện của Cụm công nghiệp Đồng Hướng, nhiều lao động tại địa phương lựa chọn các ngành nghề tại các nhà máy, doanh nghiệp thay vì gắn bó với đồng ruộng.
Thực tế mà nói, làm việc tại những nơi đó có thu nhập cao hơn hẳn nghề nông, lại "mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu". Chỉ có những lao động lớn tuổi còn ở lại làm nông nghiệp, chính vì thực trạng đó nên Ban Giám đốc HTX tập trung tìm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu sức lao động của con người.
Trong vụ mùa 2019 này, chúng tôi đã liên kết với Công ty TNHH phát triển nông nghiệp sinh học công nghệ cao thí điểm đưa phân bón sinh học công nghệ cao vào sản xuất lúa, đồng thời sử dụng máy bay nhằm tự động hóa khâu phun phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Mô hình được triển khai trên diện tích 15ha với giống lúa Bắc thơm số 7, sử dụng hoàn toàn bằng phân bón sinh học.
Để triển khai thực hiện, Công ty đã hỗ trợ 77 hộ dân tham gia mô hình toàn bộ thuốc và phân bón sinh học cũng như chi phí sử dụng máy bay phun thuốc. Sau khi tổ chức đánh giá năng suất và chất lượng lúa, kết quả cho thấy việc sử dụng phân bón sinh học giúp tăng năng suất, chi phí sản xuất thấp hơn do lượng phân bón cần sử dụng giảm 30-50%, mặt khác chất lượng gạo an toàn, hạn chế độc hại đối với người nông dân.
Anh Hoàng Văn Ninh, xóm 6, xã Chất Bình cho biết: Gia đình tôi cấy 5 mẫu lúa trong mô hình. Năm nay thời tiết thuận lợi, lại được hỗ trợ của HTX và Công ty cung cấp thuốc và phân bón sinh học để thử nghiệm nên ruộng lúa của gia đình sinh trưởng tốt, hạt mẩy, năng suất tăng hơn khoảng 10% so với vụ mùa năm ngoái.
Hiệu quả vượt trội nhất của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón sinh học không phải là tăng năng suất lúa mà chính là chất lượng nông sản tốt, an toàn, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất hóa học trong nông sản.
Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ phun thuốc và phân bón sinh học bằng máy bay tự động còn góp phần giảm sức lao động của con người. Gia đình ông Trần Văn Tập, xóm 9 xã Chất Bình có 5 sào lúa tham gia mô hình. Ông Tập phấn khởi cho biết: Đội ngũ kỹ thuật mang máy bay về, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ là đã phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho thửa ruộng của gia đình tôi.
Ban đầu tôi còn nghi ngờ về hiệu quả, song kết quả khiến tôi rất bất ngờ, lúa sinh trưởng rất khỏe, không có sâu bệnh. Mọi năm, tôi rất vất vả trong khâu bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật, phải mặc quần áo kín mít, đeo khẩu trang và đội mũ để tránh hít phải hơi thuốc.
Ông Nguyễn Văn Dưỡng, Giám đốc Công ty TNHH phát triển nông nghiệp sinh học công nghệ cao cho biết: Chúng tôi cam kết sản phẩm phân bón sinh học của Công ty là rẻ và an toàn, không gây độc hại cho người sử dụng và môi trường.
Các sản phẩm thuốc và phân bón sinh học của Công ty đã được cơ quan chức năng kiểm định, cho phép lưu hành. Niềm mong mỏi lớn nhất của Công ty là đem đến một sản phẩm sinh học an toàn cho người nông dân, góp một phần công sức nhỏ của mình vào việc xây dựng nền nông nghiệp an toàn và hiệu quả.
Thời gian qua, những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã xuất hiện ngày một nhiều trong tỉnh ta nói chung và huyện Kim Sơn nói riêng. Tuy nhiên, đây là mô hình ứng dụng công nghệ cao đầu tiên tại xã Chất Bình. Hiệu quả bước đầu đem lại là rất khả quan, giúp nâng cao năng suất, chất lượng lúa, giảm sức lao động và không gây ô nhiễm môi trường.
Thái Học