Khi còn bé, tôi thường theo bà ra ao đình gánh nước. Bà bảo: Nước ở đây vừa trong, vừa ngọt, chỉ dành để nấu nướng, nếu pha chè xanh cũng rất ngon.
Lớn lên một chút, theo bố mẹ về quê ăn Tết, tôi lại được bà cho ra đình dự hội làng, mở vào ngày mồng 5 tháng Giêng. Trong khói hương trầm nghi ngút, người già, trẻ em, thanh niên nam nữ quây kín cả sân đình. Sau phần rước kiệu, tế lễ, những trò chơi truyền thống được tổ chức. Tôi khá ấn tượng với môn chọi gà và cờ người. Dù không hiểu hết đường đi, nước bước của thế cờ, nhưng tôi cũng cảm nhận được sự thích thú, hồi hộp của các đội tham gia, để rồi tan hội, những lời bàn luận còn theo chân trên bước đường về.
Giờ đây, khi đã trưởng thành, sống xa quê, nhưng mỗi lần về tới đầu làng, lòng tôi lại xốn xang cảm xúc. Hình ảnh tôi nhìn thấy đầu tiên chính là nét cong của mái đình, ẩn hiện giữa những lùm nhãn cổ thụ. So với trước, đình làng tôi đã được tôn tạo, nâng cấp nhiều. Sân được lát gạch đỏ, ao đình được kè lại vuông vắn, đồ thờ cúng cũng được con em quê hương công tác ở xa mua sắm tiến cúng nhiều. Mới đây, đình đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Gần với quê tôi là xã Gia Tân - một vùng quê có tới 3 ngôi đình được xếp hạng di tích Quốc gia. Đi từ xa, tôi đã nhìn thấy ngôi đình Trùng Thượng (còn gọi là đình Phú Nha) đứng trầm mặc, rêu phong giữa một khu đất rộng. Với độ tuổi vài trăm năm, đình Trùng Thượng chứng kiến biết bao nỗi thăng trầm của lịch sử. Và cũng từ vùng quê này đã có biết bao thế hệ lớn lên, dù có đi xa cũng không thể quên nơi chôn nhau, cắt rốn, quên mái đình làng đã gắn bó suốt thời thơ ấu và nuôi dưỡng tâm hồn mình lớn lên, để rồi tự thấy phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống quê hương, với tiền nhân…
May mắn, tôi được gặp và trò chuyện với cụ Phạm Văn Nhơn, người thôn Tùy Hối. Tuy đã ngoài 90 tuổi nhưng ngày ngày cụ vẫn đọc sách, xem tivi và đặc biệt thích thú với công việc "chép sử". Cụ đưa cho tôi xem một quyển sổ chép tay, ghi lại lịch sử của ngôi đình làng và những hoạt động diễn ra tại đình làng xưa và nay.
Cụ kể: Ngày bé tôi thường theo cha ra đình dự hội làng, xem người già diễn tích, kể lại lịch sử ngôi đình. Nghe nhiều lần thành ra thuộc. Bây giờ, tôi phải ghi chép lại những câu chuyện đó để con cháu đời sau ghi nhớ.
Việc làm của cụ Nhơn thật đáng trân trọng, bởi sẽ giúp cho thế hệ mai sau hiểu được truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, tạo nên chất keo gắn kết cộng đồng, làng xã.
Đình làng có từ bao giờ? Theo một số nghiên cứu, đình làng bắt đầu được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ XV) và phát triển mạnh vào thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX). Theo quan niệm của người xưa, đình làng được dựng lên để thờ Thành Hoàng - vị thần đã có công khai hoang, lập ấp, đem đến sự sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt cho dân làng. Dưới thời phong kiến, đình làng là nơi diễn ra mọi việc của làng, như lễ hội, cúng tế, xử vạ, nghênh tiếp quan trên…
Ngày nay, một số địa phương vẫn duy trì được lễ hội truyền thống tại đình làng. Song phần lớn các hoạt động là gắn với sinh hoạt của người cao tuổi, như tế lễ, mừng thọ, trao phần thưởng khuyến học, báo công với tổ tiên.
Tuy nhiên, đã có một thời, nhất là những năm bao cấp, đình làng không được đánh giá, nhìn nhận đúng với ý nghĩa của nó, thậm chí còn bị xâm hại, sử dụng sai mục đích.
Số liệu của ngành Văn hóa - Thông tin năm 1995 cho thấy toàn tỉnh có 106 ngôi đình (theo đúng tiêu chí), trong đó có 9 ngôi đã được xếp hạng di tích Quốc gia, 20 ngôi đã được xếp hạng cấp tỉnh. Trong số đó, rất nhiều ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Thực trạng trên cho thấy, việc tu bổ, nâng cấp các ngôi đình là một việc làm cần thiết, không chỉ có ý nghĩa về mặt tư tưởng, tình cảm, mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, để đình làng mãi là biểu tượng đẹp của mỗi vùng quê, là nỗi nhớ, niềm thương của bao thế hệ, mà khi nghĩ đến nó, ta sẽ thấy như được trở về nguồn cội.
Trang Nhung