Đó là thông tin ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng - Khí hậu, Viện Khí tượng thủy văn, thành viên Ban soạn thảo Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH cho biết tại Hội thảo Biến đổi khí hậu: Sáng kiến trong hợp tác Nhà nước - Tư nhân với bối cảnh biến động của nền kinh tế toàn cầu khai mạc hôm 14-10.
Theo ông Thành, số tiền 2.000 tỷ đồng này là tổng cộng của 36 dự án đánh giá về BĐKH trong giai đoạn từ 2009 đến 2015. Theo đó, Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH sẽ đánh giá mức nhiệt độ tăng, mực nước biển sẽ dâng, mức độ tác động để từ đó xây dựng kế hoạch hành động. Ông Thành cũng cho biết, số tiền này là chưa tính đến chương trình hành động ứng phó với BĐKH của từng bộ, ban, ngành.
Được biết, Chính phủ Đan Mạch đã cam kết hỗ trợ 40 triệu USD để thực hiện chương trình này. Chỉ chờ sau khi Thủ tướng ký quyết định phê duyệt, số tiền này sẽ được giải ngân. IUCN cũng cam kết hỗ trợ 5 triệu USD để thực hiện Chương trình.
Mục tiêu chiến lược của Chương trình là đánh giá mức độ BĐKH của Việt Nam do BĐKH toàn cầu và mức độ tác động của BĐKH đối với lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với BĐKH cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn.
Có 11/16 bộ, ban, ngành được hỏi ý kiến khi xây dựng chương trình Mục tiêu QG ứng phó với BĐKH đã có ý kiến trả lời. Cuối tháng 7 vừa qua, dự thảo Chương trình đã trình lên Thủ tướng Chính phủ. Nhưng do tầm quan trọng của chương trình này, nên còn phải chờ ý kiến của Bộ Chính trị.
Theo kết quả điều tra, 50 năm qua, nhiệt độ trung bình của Việt Nam đã tăng 0,7 độ C, mực nước biển dâng khoảng 20cm.
"Mặc dù kịch bản về BĐKH sẽ đưa ra vào đầu năm 2009, trong đó sẽ đưa ra dự đoán về nhiệt độ tăng trong từng thập kỷ và mực nước biển dâng trong từng thập kỷ. Nhưng qua nghiên cứu sơ bộ, chúng tôi đưa ra kết luận trước mắt là đến năm 2100, nhiệt độ trung bình của Việt Nam có thể tăng lên 3 độ C, mực nước biển có thể dâng 1m. Kịch bản này có thể được điều chỉnh thêm trong quá trình nghiên cứu", ông Nguyễn Văn Thắng nói.
Theo NDĐT