Hội thảo xây dựng Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025"
Thứ Sáu, 28/05/2021, 10:56
Zalo
Sáng 28/5, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo xây dựng Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025". Đồng chí Đỗ Việt Anh, TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội thảo.
Hội thảo xây dựng Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025"
Các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, lãnh đạo các cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; đại biểu Văn phòng HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; Thường trực các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Dân vận các huyện, thành ủy dự hội thảo.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo do lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy trình bày nêu rõ: Trong những năm qua, công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tỉnh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Trong đó nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được nâng lên.
Công tác dân vận của chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các Hội quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; công tác dân vận của lực lượng vũ trang góp phần xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân... Tuy nhiên, công tác dân vận vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Việc xây dựng Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025" là rất cần thiết để đánh giá đúng thực trạng công tác dân vận, đề ra các mục tiêu, giải pháp mới cho công tác dân vận.
Về bố cục, Đề án gồm 3 phần: Phần thứ nhất đặt vấn đề nêu sự cần thiết ban hành Đề án, căn cứ xây dựng Đề án; Phần thứ hai nêu mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025, trong đó có dự báo tình hình nhân dân và những vấn đề tác động đến công tác dân vận, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể gồm 10 nhóm mục tiêu; cùng với đó là 7 nhiệm vụ và giải pháp; phần thứ ba là tổ chức thực hiện.
Đồng chí Đỗ Việt Anh, TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội thảo.
Trên cơ sở định hướng thảo luận của đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, thống nhất đánh giá: Dự thảo Đề án đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, đánh giá đúng tình hình, nêu rõ tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của công tác dân vận thời gian qua; bên cạnh đó đã đề ra được nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sát thực, khả thi và phù hợp thực tiễn để nâng cao chất lượng công tác dân vận thời gian tới.
Để Đề án hoàn chỉnh hơn và làm rõ một số nội dung cơ bản, quan trọng trong dự thảo Đề án, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu về những khó khăn, cơ hội và thách thức đối với công tác dân vận; các chỉ tiêu nêu trong dự thảo Đề án; vai trò của các hội đoàn thể...
Các ý kiến, kiến nghị dự thảo Đề án cần nhấn mạnh việc cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng; tập trung tổ chức tốt việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong dân vận chính quyền; chỉ đạo nâng cao công tác quản lý Nhà nước, tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng cơ bản; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phối hợp giữa UBND với Ban Dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội cùng cấp.
Cùng với đó là giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, gắn dân vận khéo với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội.
Đặc biệt là ý kiến góp ý về việc nâng cấp, sử dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử trong hệ thống dân vận, phục vụ công tác dân vận; việc tạo lập nền tảng phân tích dữ liệu, thống kê tự động giúp lãnh đạo đưa ra quyết định về các vấn đề liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác dân vận. Bên cạnh đó là xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát trên môi trường số, xây dựng bộ tiêu chí trên nền tảng số; xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân vận trên nền tảng trực tuyến; phát triển các ứng dụng thông minh để triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, công tác nắm, phân tích tình hình nhân dân và những vấn đề phát sinh, đưa mọi hoạt động lên môi trường số...
Cùng với những ý kiến nêu trên, đại biểu cũng đề nghị cần có chế tài, cơ chế để mọi cán bộ, đảng viên phải làm công tác dân vận; trong giám sát, phản biện xã hội, các cấp ủy, chính quyền các cấp phải có cơ chế quy định cụ thể để MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội có điều kiện thuận lợi để giám sát, phản biện.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Đỗ Việt Anh, TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu vào dự thảo Đề án. Đồng chí cho biết sau hội thảo, Ban dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện Dự thảo Đề án trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.