Dự hội thảo có đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UNND tỉnh, một số sở, ngành, hội đoàn thể; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo các doanh nghiệp.
Tham dự hội thảo còn có Đại diện Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam; các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành liên quan đến nông nghiệp nông thôn; lãnh đạoLiên hiệp các Hội KH&KT các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Bình.
Ninh Bình được đánh giá là một tỉnh có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có trên 90 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp. Với thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu thuận lợi đã hình thành nên các vùng sản xuất nông nghiệp đa dạng với nhiều loại nông sản đặc trưng như dứa, lúa, cói, nấm...
Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã được triển khai như: Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 37 của HDND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững; nghị quyết số 30 của HĐND tỉnh phê duyệt; Đề án phát triển kinh tế tập thể; các chương trình, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mỗi vùng một sản phẩm đặc trưng...
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp Ninh Bình vẫn thấp, sản xuất vẫn chạy theo số lượng, giá trị sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh thấp. Nguyên nhân là do một số nơi chưa có quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung; kinh tế hợp tác chưa phát triển, chính sách đất đai còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chưa hình thành được nhiều các chuỗi cung ứng giá trị hàng hóa nông sản.
Tại hội thảo, cơ sở lý luận và thực tiễn về chuỗi giá trị nông sản, việc xây dựng và quản trị nông sản trên thế giới và tình hình chuỗi giá trị nông sản trong nước; một số vấn đề mới trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đã được nêu ra.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp các ý kiến nhằm xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị nông sản tại Ninh Bình. Cụ thể như: đổi mới, nâng cao vai trò của các HTX trong liên kết thị trường, tiêu thụ nông sản; đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch - bảo quản - chế biến sâu; thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; truy xuất nguồn gốc điện tử qua hệ thống TraceVerified và QR Code;
Tăng cường hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trong thông tin thị trường, tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và tăng cường đàm phán, thương thảo với các thị trường xuất khẩu...
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp luôn được Ninh Bình quan tâm chú trọng phát triển. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn ở mức ổn định, bình quân trên 2%/năm.
Năm 2017, tổng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) đạt 8,43 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt trên 110 triệu đồng. Mặc dù vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang còn một số mặt tồn tại khiến nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Vì vậy, Hội thảo lần này, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, các cơ quan quản lý chuyên ngành và các doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, làm cơ sở giúp tỉnh có những chiến lược và kế hoạch khả thi để phát triển nông nghiệp, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho nông sản Ninh Bình.
Buổi chiều cùng ngày, đoàn đi thăm quan thực tế tại công ty CP TPXK Đồng Giao.
Hà Phương- Đức Lam