Các báo cáo tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đã tập trung phân tích nêu bật thực trạng ảnh báo chí ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những đổi mới, tiến bộ như trình độ, năng lực, phương tiện, thiết bị của những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực ảnh báo chí ngày càng được nâng lên, tính chuyên nghiệp, hiện đại ngày càng thể hiện rõ nét hơn, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền của báo chí, ảnh báo chí ở nước ta cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục, đó là tình trạng khá nhiều ảnh đăng báo có chất lượng không cao (nhất là đối với các báo địa phương), tính báo chí trong các tác phẩm ảnh chưa rõ, đa số các ảnh đăng trên báo là ảnh minh họa; rất ít ảnh được đăng riêng như một tin; ảnh hội nghị, ảnh lễ tân còn khá phổ biến; vẫn còn không ít ảnh đăng báo mờ, nhòe, bố cục không hợp lý, chú thích sai, chú thích chung chung, không gắn với nội dung ảnh.
Các đại biểu cũng đã nêu các giải pháp nâng cao chất lượng ảnh báo chí, trong đó tiếp tục nâng cao nhận thức hơn nữa của đội ngũ những người làm báo, trước hết là đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí, các phóng viên ảnh, các biên tập viên ảnh về vị trí của ảnh báo chí đối với các tờ báo.
Tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, tay nghề đối với phóng viên, đặc biệt là phóng viên chuyên ảnh; cần cải tiến trong việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức thực hiện, trong tuyển chọn và xử lý ảnh; nghiên cứu xây dựng mô hình hoạt động phù hợp, hiệu quả đối với từng cơ quan báo chí như: Phòng ảnh trực thuộc Ban Biên tập; tổ ảnh thuộc Phòng Tòa soạn; các phóng viên chuyên ảnh ở các phòng phóng viên; các phóng viên ảnh ở các phòng và có biên tập viên ảnh ở Phòng Tòa soạn.
Các đại biểu cũng nêu vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo (phóng viên ảnh) ở các trường đào tạo; tổ chức các cuộc thi ảnh báo chí ở Trung ương và địa phương; thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và các cuộc hội thảo về ảnh báo chí.
Bằng Phan