Dự hội thảo có lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao; đại diện tổ chức WCS tại Việt Nam; đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cùng lãnh đạo Tòa án nhân dân một số tỉnh: Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối tao Nguyễn Văn Du nêu rõ: Thực tiễn xét xử của hệ thống Tòa án nhân dân trong cả nước thời gian qua cho thấy có nhiều vụ án hình sự liên quan đến xâm hại, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã. Mặc dù bị xử lý về hình sự một cách nghiêm minh nhưng tình trạng săn bắt, tiêu thụ, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã vẫn diễn ra hết sức phức tạp.
Thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo Tạp chí Tòa án nhân dân tích cực phối hợp với tổ chức WCS xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về tội phạm này cũng như hướng xử lý và kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật đối với loại tội phạm này.
Đồng thời chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Tại Ninh Bình, 5 năm qua Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý, giải quyết 17 vụ, 25 bị cáo liên quan đến động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, phân tích một số vấn đề trọng tâm như: thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam; kinh nghiệm công tác phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm thông qua xét xử, giải quyết các vụ án tại một số tỉnh; một số vấn đề xử lý vật chứng trong các vụ án về các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; hoạt động phối hợp trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã trong hệ thống các cơ quan tư pháp...
Hội thảo nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về lĩnh vực này cho cán bộ ngành Tòa án; đồng thời tìm ra những giải pháp hiệu quả hơn trong công tác xét xử, góp phần bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Tin, ảnh: Kiều Ân