Cùng dự có lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; đại diện 13 Đoàn ĐBQH các tỉnh phía Bắc và miền Trung; đại diện bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam...Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh giới thiệu đôi nét với các đại biểu về điều kiện địa lý, truyền thống lịch sử, tiềm năng thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt trong những năm qua, phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có, kinh tế của tỉnh Ninh Bình ngày càng có sự phát triển và ổn định. Liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, trong những năm qua, thực hiện các quy định của pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đến nay tỉnh Ninh Bình còn lại 6 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có 3 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước là Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và Công ty TNHH MTV Bình Minh. 2 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa (Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ) gồm Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị thành phố Ninh Bình, Công ty CP Môi trường đô thị thị xã Tam Điệp và 1 doanh nghiệp đang tiến hành cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Ninh Bình.
Trong 6 doanh nghiệp trên, có 3 doanh nghiệp hoạt động công ích đều hoàn thành tốt nhiệm vụ do tỉnh giao, 3 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả và có lãi. Hàng năm, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp 100% vốn hoạt động và tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng Dự thảo luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Trước thực tế hiện chưa có một văn bản lớn, thống nhất quy định về các nguyên tắc, phạm vi, thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; các quy định hiện hành còn nằm rải rác ở các Luật, Nghị định, Thông tư và chưa có sự thống nhất. Vì thế, dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đã luật hóa các quy định dưới luật về vấn đề vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Luật quy định thái độ của đại diện sở hữu nhà nước khi đầu tư vốn vào doanh nghiệp.
Theo đó, Luật thể hiện quan điểm của đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp ở 3 khía cạnh lớn. Đó là danh mục những ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi đầu tư vốn của Nhà nước sẽ được công khai. Vấn đề giám sát của Nhà nước đối với nguồn vốn đầu tư tại doanh nghiệp. Và vấn đề sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đã đưa ra những nguyên tắc quản lý mang tính đặc thù riêng của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN.
Các nội dung của Dự thảo luật được đổi mới từ khâu đầu tư đến quản lý, bảo đảm để khu vực DNNN thực sự hoạt động có hiệu quả, đẩy nhanh việc sắp xếp đổi mới, trọng tâm là cổ phần hóa DNNN. Trong Luật cũng quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ xem xét, quyết định giá chuyển nhượng trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bù trừ dự phòng tổn thất vốn đầu tư theo quy định của pháp luật nhưng giá trị chuyển nhượng vẫn thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp…
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào một số vấn đề trọng tâm của Dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau như như phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh (bao gồm cả đầu tư và giám sát); mô hình cơ quan chủ sở hữu nhà nước; vấn đề lương thưởng; thẩm quyền của hội đồng thành viên...
Mỹ Hạnh-Thế Minh