Những năm gần đây, mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ như: quy hoạch vùng nguyên liệu cói, đầu tư vào khu công nghiệp Đồng Hướng, đào tạo nghề, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại tìm nhà đầu tư nước ngoài… Nhưng diện tích trồng cói vẫn bị giảm sút (năm 2006 có tổng diện tích lên trên 400 ha, đến năm 2009 đã giảm xuống còn dưới 200ha); giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cói rất khiêm tốn (năm 2008 đạt trên 1,2 triệu USD, năm 2009 đạt dưới 1 triệu USD).
Nguyên nhân là do giá cả thị trường biến động, giá cói xuống thấp, chi phí sản xuất cói tăng cao dẫn đến người trồng cói bị thua lỗ; xuất hiện các sản phẩm thay thế (bèo bồng, nứa chắp,..) dần chiếm lĩnh thị trường; liên kết 4 nhà chưa chặt chẽ và chưa đạt hiệu quả; các doanh nghiệp khó tìm kiếm đơn hàng và giá trị gia tăng không cao do xuất khẩu chủ yếu qua các đơn vị trung gian...
Tại hội thảo các đại biểu đã tham luận và đưa ra những giải pháp cụ thể như: Cần quan tâm phát triển hơn nữa vùng sản xuất nguyên liệu cói; Nhà nước cần đứmg ra tổ chức, tạo mô hình liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, Nhà nông, nhà khoa học và Doanh nghiệp); tăng cường đầu tư khoa học công nghệ nâng cao chất lượng cây cói; nâng cao hơn nữa năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng cói; duy trì và nâng cao vai trò của hiệp hội cói; tăng cường sự hỗ trợ để ngành cói phát triển.
Hương Giang