Hội thảo báo cáo kết quả khảo cổ học vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến Kinh đô Hoa Lư từ đầu Công Nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt
Thứ Ba, 20/04/2021, 10:43
Zalo
Sáng 20/4 (tức 9/3 âm lịch), tại sân Lễ hội Cố đô Hoa Lư, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu khảo cổ học vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến Kinh đô Hoa Lư từ đầu Công Nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt.
Hội thảo báo cáo kết quả khảo cổ học vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến Kinh đô Hoa Lư từ đầu Công Nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt
Dự hội thảo phía Trung ương có các đại biểu lãnh đạo Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Viện nghiên cứu Kinh thành, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội...
Đại biểu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: Văn hóa và Thể thao, Du lịch; các cán bộ, chuyên gia, chuyên viên tham gia nghiên cứu khảo cổ...
Tại hội thảo, đại diện đoàn khảo cổ đã báo cáo sơ bộ kết quả đợt khai quật nghiên cứu khảo cổ học tại Di tích Cố đô Hoa Lư và các địa điểm mộ gạch Đền Hạ (Gia Lâm), Đồi Cò (Gia Tường) và Đồi Chùa (Liên Sơn) ở các huyện Hoa Lư, Nho Quan và Gia Viễn có nhiệm vụ "Nghiên cứu lịch sử vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư từ đầu Công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt" do Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình chủ trì, phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện.
Tại khu vực di tích Cố đô Hoa Lư, đoàn khai quật đã mở 5 hố khai quật và 3 hố thăm dò, tổng diện tích 300m2. Kết quả đã làm xuất lộ các lớp kiến trúc thời Đại La và thời Đinh - Tiền Lê nằm chồng xếp lên nhau ở hố khai quật H1; nền kiến trúc ở hố khai quật H4 và lớp nền, móng kiến trúc thời Đại La ở hố khai quật H5.
Trong hố đào đã xuất lộ nhiều di tích kiến trúc thuộc nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, như rãnh thoát nước xếp gạch hình chữ V, gạch tận dụng từ loại gạch bìa màu xám trước thế kỷ 10 (một vài viên có chữ Giang Tây Quân) và gạch thời Đinh - Tiền Lê, xuất lộ một nền kiến trúc được đắp bằng vữa hồ (gồm sạn sỏi đá ong, vôi, mật mía...) xen lẫn trong đó là những viên gạch có nhiều niên đại khác nhau...
Quang cảnh hội thảo.
Tại các địa điểm mộ gạch Đền Hạ (Gia Lâm, Nho Quan), Đồi Cò (Gia Tường, Nho Quan) và Đồi Chùa (Liên Sơn, Gia Viễn) khai quật tổng diện tích 100m2, làm xuất lộ 5 kiến trúc mộ gạch, gồm 1 mộ hình cũi chữ nhất, 4 mộ cuốn vòm dạng lò nung gốm (trong đó có 2 mộ song táng). Các mộ đều nằm trong tình trạng bị xâm hại nghiêm trọng và hầu hết đồ tùy táng đã bị thất lạc.
Đánh giá bước đầu, kết quả khai quật khảo cổ ở Di tích Cố đô Hoa Lư và các địa điểm mộ gạch Đền Hạ, Đồi Cò (Nho Quan), Đồi Chùa (Gia Viễn) đóng góp thêm những nhận thức mới, quan trọng về vùng đất Ninh Bình giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên và Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X lịch sử.
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ý kiến, trình bày quan điểm, làm rõ những giá trị tư liệu thu thập được, góp phần đưa đến những nhận thức rõ ràng hơn về lịch sử vùng đất Ninh Bình ở giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên.
Các đại biểu cũng thống nhất, kiến nghị, đề nghị giữ nguyên hiện trạng di tích Cố đô Hoa Lư khu vực từ Ngòi Chẹm đến hết cánh đồng Nội để phục vụ nghiên cứu khảo cổ học. Kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ học ở khu vực Di tích Cố đô Hoa Lư đã xác định không gian phân bố của Kinh đô Hoa Lư xưa kéo dài từ Ngòi, trước mắt cần dừng tất cả các hoạt động xây dựng nhà cửa, chôn cất mồ mả, đào múc ao hồ ở khu vực này.
Trong tương lai, cần có kế hoạch di dời các hộ dân hiện đang cư trú lẫn trong phạm vi di tích đến khu vực khác, trả lại cảnh quan và sự tôn nghiêm vốn có cho di tích. Cùng với đó, cần điều chỉnh Bản đồ Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư, phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài theo hướng phát triển bền vững.
Tiếp tục khai quật làm rõ quy mô, không gian phân bố, mặt bằng kiến trúc, kỹ thuật xây dựng... các kiến trúc trong các hố khai quật vừa qua tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư, từ đó đưa đến những tư liệu chân xác, quý báu góp phần hiểu biết rõ ràng hơn về Kinh đô Hoa Lư và vùng đất Ninh Bình giai đoạn X thế kỷ đầu Công nguyên đến Nhà nước Đại Cồ Việt, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư và lịch sử - văn hóa vùng đất Ninh Bình, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế, phát huy tiềm năng du lịch của Khu di tích Cố đô Hoa Lư nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung.