Công tác, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường đã được Hội Phụ nữ thị trấn triển khai theo hướng ngày càng đa dạng, thiết thực, hiệu quả. Những năm qua, Hội đã chủ động khai thác các nguồn vốn cho hội viên, phụ nữ vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình hoặc đầu tư cho con cái học tập với nguồn vốn năm sau cao hơn năm trước.
Cùng với nguồn vốn vay ưu đãi, Hội Phụ nữ thị trấn còn phát động xây dựng quỹ Hội tại 13/13 chi hội để có thêm điều kiện giúp nhau khi ốm đau, để phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình…
Với trách nhiệm và tinh thần "tương thân tương ái", các chi hội đã xây dựng được nguồn quỹ với số quỹ cao nhất trên 55 triệu đồng/chi hội. Bên cạnh đó, các nhóm tiết kiệm được duy trì hiệu quả với 81 nhóm, số tiền tiết kiệm hàng năm đạt trên 300 triệu đồng. Quỹ Hội được sử dụng vào việc khen thưởng, thăm hỏi hội viên khi ốm đau, tặng quà hội viên…
Đối với số quỹ chưa sử dụng đến được cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để chị em có vốn phát triển kinh tế gia đình. Hàng năm, nguồn quỹ này đều được công khai minh bạch, rõ ràng nên chị em tin tưởng, ủng hộ.
Cùng với việc duy trì và phát triển các nguồn vốn, để giúp hội viên phát triển kinh tế, các hoạt động hỗ trợ cũng được Hội quan tâm phối hợp tổ chức. Hội Phụ nữ thị trấn đã kết hợp với Trung tâm học tập cộng đồng, Hội Nông dân tổ chức các hội nghị chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc lúa, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho hội viên, phụ nữ.
Tại các chi hội, vào các dịp sinh hoạt định kỳ, 100% chi hội đều tổ chức tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Từ các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều hội viên đã nắm bắt được kiến thức, áp dụng thành công vào mô hình kinh tế của gia đình.
Trong đó, những năm qua hội viên, phụ nữ thị trấn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, mạnh dạn sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả, năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, mở rộng mô hình phát triển VAC, chăn nuôi theo hướng mô hình trang trại, nuôi tôm theo hướng công nghiệp…
Thành công trong lĩnh vực phát triển kinh tế ở Hội Phụ nữ thị trấn Bình Minh có thể nhắc đến chị Trần Thị Hà, chi hội 8, chị Nguyễn Thị Hoa, chi hội 10, chị Bùi Thị Tuyết, chi hội 11… có thu nhập từ các mô hình phát triển kinh tế bình quân từ 100- 200 triệu đồng/năm.
Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều chị em còn mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp để góp phần giảm chi phí, sức lao động, tăng nguồn thu cho gia đình. Qua đó đóng góp quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần đạt các chỉ tiêu về kinh tế và nâng cao thu nhập bình quân đầu người của thị trấn.
5 năm qua, Hội đã giúp cho 155 hộ nghèo về tinh thần, vật chất, ngày công, con giống, cho vay không lấy lãi, tạo điều kiện vay vốn tại ngân hàng Chính sách xã hội. Hội đã trích quỹ ủng hộ phụ nữ nghèo, hỗ trợ 7 gia đình hội viên nghèo hơn 100 con gà giống, hỗ trợ 3 gia đình hội viên vay không lấy lãi…
Do đó, đã có trên 50 hộ gia đình hội viên thoát nghèo, trong đó có 10 hộ do phụ nữ đứng chủ. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, hội viên phụ nữ thị trấn còn tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động để xây dựng thị trấn ngày càng sạch đẹp. Hưởng ứng cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", đến nay, 13/13 chi hội đã xây dựng được đoạn đường, đoạn sông phụ nữ tự quản, thành lập câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường.
Qua đó đã làm chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ trong việc tham gia bảo vệ và giữ gìn môi trường sống. Chị em đã tích cực duy trì "ngày thứ bảy sạch", thực hiện tổng vệ sinh vào ngày 27 hàng tháng, vận động hội viên, phụ nữ tham gia vệ sinh môi trường nơi công cộng, trên các dòng sông vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương. Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện phương án thu gom rác thải trên địa bàn và thực hiện đóng phí vệ sinh môi trường theo quy định.
Lý Nhân