Đến thăm gia đình chị Bùi Thị Hà ở thôn Quảng Cư (xã Quảng Lạc) vào dịp đầu xuân mới, ngôi nhà cao tầng của gia đình chị hiện lên khang trang giữa khung cảnh đồi rừng trù phú. Nếu đã từng lên vùng cao Quảng Lạc, chắc nhiều người vẫn nhớ những năm trước đây là vùng đất cằn, cây cối rậm rạp nhưng lại chưa được khai thác, đời sống của người dân còn hết sức khó khăn.
Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ xã Quảng Lạc đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tìm hướng thoát nghèo. Nắm bắt chủ trương của địa phương về việc phát huy lợi thế, tiềm năng của xã vùng cao,
Hội Phụ nữ xã đã chủ động làm tốt việc đưa các kiến thức khoa học kỹ thuật về giúp hội viên, phụ nữ tập trung khai thác những diện tích đất vườn, đất đồi để phát triển kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng phù hợp với điều kiện của từng gia đình.
Cũng như nhiều gia đình hội viên, gia đình chị Bùi Thị Hà đã tập trung chuyển đổi giống cây trồng trên diện tích gần 6 ha đất đồi rừng. Hai vợ chồng chị đã đầu tư trồng các cây lấy gỗ. Nhờ sự cần cù, chịu khó của hai vợ chồng, đến nay diện tích đồi rừng này đã cho hiệu quả kinh tế ổn định giúp gia đình chị vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá trong xã, con cái được đi học, gia đình chị xây dựng được ngôi nhà cao tầng khang trang.
Nói quá trình vươn lên thoát nghèo, chị Hà phấn khởi chia sẻ: Nhờ có sự động viên, hỗ trợ của Hội Phụ nữ nên gia đình tôi đã tìm được hướng đi đúng trong phát triển kinh tế đồi rừng...
Trường hợp như chị Bùi Thị Hà chỉ là một trong nhiều trường hợp hội viên, phụ nữ của huyện Nho Quan vươn lên thoát nghèo nhờ những hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các cấp Hội Phụ nữ huyện trong việc phát triển kinh tế đồi rừng.
Để những hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ đạt hiệu quả, Hội Phụ nữ huyện đã chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã, thị trấn, nhất là những xã có nhiều diện tích đồi rừng đẩy mạnh tuyên truyền hội viên tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế.
Bám sát các quy định của Nhà nước về phát triển kinh tế đồi rừng cũng như chủ trương của địa phương trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn đã tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước về kinh tế đồi rừng để hội viên nắm bắt, thực hiện tốt.
Bên cạnh đó, các lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, vật nuôi được triển khai thường xuyên đã góp phần nâng cao, mở rộng kiến thức, kinh nghiệm cho hội viên. Nhiều hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư, đưa vào trồng trọt, chăn nuôi những giống cây, con mới, đặc sản đem lại giá trị kinh tế cao.
Với nguồn vốn vay trên 102 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn nước sạch, vệ sinh môi trường, vốn từ quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển, Hội Phụ nữ huyện đã quản lý, giúp cho gần 7.000 lượt hội viên, phụ nữ vay để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đồng thời, các chi hội phụ nữ tại các thôn, xóm cũng đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm với mức 5.000 đồng/hội viên/tháng đã thu hút gần 25.000 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Đến nay Hội đã giúp cho 697 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên, phụ nữ đã thành công trong việc xây dựng mô hình kinh tế trang trại, kinh tế vườn đồi, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. Cũng từ hiệu quả phát triển kinh tế mà số hộ nghèo, nhất là những hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ đã giảm qua các năm.
Từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội đã giúp cho 385 hộ phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.
Lý Nhân