Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, phần lớn chị em tham gia sản xuất nông nghiệp, muốn phát triển kinh tế hộ gia đình cần nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực. Nhận thức được những khó khăn đó, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế tổng hợp. Đặc biệt, phát huy thế mạnh của từng vùng, Hội đã vận động chị em đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Đối với vùng cao, Hội tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ mạnh dạn đưa con nuôi đặc sản như dê, hươu, ong, nhím, lợn rừng, gà đồi… vào chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi. Điển hình là gia đình hội viên Đinh Thị Duyên ở thôn Nga 2, xã Cúc Phương với mô hình nuôi hươu. Trước đây, gia đình chị Duyên thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhận được sự động viên của tổ chức Hội các cấp, đồng thời nhận thấy địa phương có quỹ đất dồi dào, thuận lợi cho việc trồng cỏ nên gia đình chị Duyên đã mạnh dạn đầu tư nuôi hươu. Hiện gia đình chị đã có 8 con hươu, mỗi năm cho cắt nhung 1 lần.
Theo chị Duyên, nuôi hươu hiệu quả hơn nhiều so với các con nuôi truyền thống như bò, trâu vì vốn đầu tư ít, không tốn tiền mua thức ăn. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ lại đảm bảo, bán được giá cao, hươu ít bị dịch bệnh, chi phí thức ăn không nhiều, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Mô hình trồng nấm của gia đình chị Trần Thị Thúy ở xã Gia Tường đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình trong những năm qua. Khởi đầu trồng nấm vào năm 2010 với 5.000 bịch nấm sò và mộc nhĩ, đến nay gia đình chị đã mở rộng quy mô lên 15.000 bịch nấm các loại trên diện tích 1.500 m2. Trừ chi phí mỗi năm gia đình chị thu lãi cả trăm triệu đồng. Mô hình của gia đình còn tạo việc làm cho 5-7 lao động thời vụ với thu nhập 150 nghìn đồng/ngày.
Trao đổi với chị Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nho Quan, được biết: Hàng năm, trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của phụ nữ và nhu cầu của phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, các cấp Hội trên địa bàn huyện tiến hành phân loại hộ nghèo theo từng nhóm nguyên nhân để có giải pháp tác động, hỗ trợ phù hợp, thiết thực với từng đối tượng. Tổ chức Hội vừa chú trọng tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại, phấn đấu thực hiện tiêu chí "không đói nghèo", vừa vận động hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau về vốn, ngày công, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm để phát triển kinh tế gia đình…
Để gỡ khó về vốn, ngoài việc củng cố các mô hình tiết kiệm hiện có, các cơ sở Hội có nhiều mô hình, cách thức thực hiện sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế của hội viên, phụ nữ, trong đó nổi bật là chương trình tiết kiệm "Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững". Đến nay, Hội đang quản lý gần 110 tỷ đồng, cho 6.791 lượt hộ hội viên, phụ nữ vay.
Từ các nguồn vốn này, nhiều hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn xây dựng mô hình trang trại, gia trại theo hướng sản xuất, kinh doanh tổng hợp, đưa con nuôi đặc sản như dê, hươu, ong, nhím vào chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn huyện có hơn 300 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của gia đình hội viên, phụ nữ cho thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm, trong đó có gần 100 mô hình do phụ nữ đứng chủ. Nhiều mô hình không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình mà góp phần tạo việc làm thường xuyên cho chị em phụ nữ. Tiêu biểu như mô hình trồng nấm, mộc nhĩ của chị Trần Thị Thúy ở xã Gia Tường, cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 7-8 phụ nữ; gia đình chị Nguyễn Thị Quế ở xã Sơn Lai mạnh dạn đảm nhận trên 2ha đất tạp sau dồn điền, đổi thửa để phát triển kinh tế gia trại tổng hợp, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm...
Ngoài việc làm nêu trên, Hội còn tích cực phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Nông nghiệp &PTNT... mở các lớp dạy nghề, truyền nghề, giới thiệu việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động cho phụ nữ. 5 năm qua, Hội đã tổ chức được 39 lớp dạy nghề đính hạt cườm, đan làn nhựa, nuôi cá lồng, nuôi gà thả vườn, trồng rau sạch, trồng nấm, may công nghiệp cho 2.000 hội viên; tư vấn, giới thiệu cho trên 3.000 hội viên phụ nữ có việc làm ổn định với thu nhập từ 1,5-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể khẳng định, từ những việc làm thiết thực, hiệu quả, Hội Phụ nữ huyện Nho Quan đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên, phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều hội viên, phụ nữ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 11,69% năm 2011 xuống còn 8,5% năm 2016 và phấn đấu còn 7,18% theo tiêu chí đa chiều năm 2017, qua đó đóng góp quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bảo Yến