Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Phạm Văn Lân, thôn Thọ Thái, xã Yên Hưng là 1 trong những hộ nông dân của xã duy trì khá tốt mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Mặc dù một vài năm gần đây, do suy thoái kinh tế, giá cả vật nuôi bấp bênh nhưng nhờ sự quyết tâm, nỗ lực, gia đình anh Lân luôn duy trì đàn lợn mỗi lứa từ 60 -70 con. Anh Phạm Văn Lân cho biết: Gia đình tôi đã phát triển trang trại chăn nuôi lợn 8 năm nay. Ban đầu từ chăn nuôi nhỏ lẻ, sau gia đình tích lũy vốn, đầu tư chuồng trại, giống lợn, thức ăn hàng ngày cho đàn lợn từ 60-70 con/lứa. Bên cạnh đó, gia đình đã đầu tư nuôi lợn nái để một phần tự cung, tự cấp giống. Đồng thời để đảm bảo nguồn lợn sạch, không bị dịch bệnh, gia đình luôn đảm bảo phương pháp chăn nuôi khép kín tại hộ gia đình, chú trọng học hỏi kinh nghiệm phòng chống dịch nên nhiều năm qua, đàn lợn của gia đình không bị dịch bệnh. Hiện nay, gia đình đầu tư đàn lợn khoảng 400 triệu đồng, mỗi năm trừ chi phí gia đình thu lãi trên 35 triệu đồng.
Đồng chí Lê Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Hưng cho biết: Nhằm nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân trong xã, Hội thường xuyên vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia các phong trào, đặc biệt là phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. áp dụng chuyển đổi khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp như cây mới, con mới để đem lại hiệu quả năng suất, chất lượng cao. Ngay từ quý I, Hội đã phát động phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi và giao chỉ tiêu đăng ký của các chi hội. Năm 2013 đã có 340 gia đình hội viên đăng ký trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với Ban xóa đói giảm nghèo của xã để theo dõi và vận động nông dân từng bước phấn đấu xóa nghèo. Phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô cho cán bộ, hội viên nông dân vay vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình. Hội đã có 5 tổ vay vốn với số dư nợ trên 2 tỷ đồng và số dư nợ Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT trên 4 tỷ đồng... Hội tích cực vận động cán bộ, hội viên nông dân xây dựng điển hình tiên tiến, các mô hình trang trại, mô hình chuyển đổi giống cây trồng, thâm canh đem lại hiệu quả kinh tế cao, thực hiện dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...
Đồng chí Phạm Văn Toan, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Mô cho biết: Năm 2013, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những phong trào trọng tâm của Hội. Để đẩy mạnh phong trào, ngay từ đầu năm Hội đã xây dựng chỉ tiêu cụ thể và ký giao ước thi đua cho từng cơ sở. Chỉ đạo Hội cơ sở, Chi hội tổ chức cho hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đã có 11.014 hội viên đăng ký tham gia..
Để phong trào mang lại hiệu quả thiết thực, Ban Thường vụ Hội phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện tạo điều kiện cho vay giải ngân kịp thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc thu hồi lãi, gốc đến hạn của các tổ vay, hộ vay. Năm 2013, toàn Huyện hội có 108 tổ vay vốn với trên 2.800 thành viên vay vốn với dư nợ trên 60 tỷ đồng. Hội đã giải ngân Quỹ hỗ trợ nông dân nguồn của huyện cho 5 hội viên xã Mai Sơn vay với số tiền 50 triệu đồng để phát triển sản xuất. Đồng thời Hội chỉ đạo Hội nông dân các xã Yên Nhân, Yên Từ, Yên Lâm, Yên Hòa duy trì, phát triển dự án nuôi bò sinh sản và phát triển nghề mộc; từ nguồn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương với dư nợ 1,1 tỷ đồng cho 37 hộ vay và nguồn của tỉnh 250 triệu đồng cho 15 hội viên ở xã Yên Thái, Yên Phong vay phát triển chăn nuôi... Các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn vay góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của huyện xuống còn 7,23%.
Với mục tiêu ngày càng mở rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi trong hội viên nông dân, Hội đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức 35 lớp dạy nghề ngắn hạn về các nghề vặn bèo bồng, đan cói, nuôi gà, thợ xây cho cho 1.550 lượt hội viên nông dân các xã Yên Mỹ, Yên Nhân, Khánh Dương, Khánh Thượng. Đồng thời, Hội đã tổ chức 250 buổi chuyển giao KHKT về gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi, sử dụng phân bón, thuốc BVTV cho cây lúa, cây màu, triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông, trồng dưa bao tử theo tiêu chuẩn VietGAP... cho 23.850 lượt hội viên nông dân tham dự.
Nhằm tăng thêm thu nhập cho hội viên, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tập trung sản xuất vụ đông, chú trọng công tác phòng chống lụt bão, tiêu úng phục vụ sản xuất vụ đông. Các cấp Hội đã đảm nhiệm 5 mô hình tập thể trồng cây vụ đông với diện tích 11 ha, tiêu biểu mô hình Hội nông dân huyện thực hiện tại xã Mai Sơn và mô hình xã Yên Thái, Yên Từ, Yên Phong, Yên Thành. Đưa diện tích cây đông toàn huyện đạt 2.360 ha... Qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đến nay toàn huyện đã có 8.351 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Để đạt mục tiêu phấn đấu trong năm 2014 có trên 73,5% hội viên tham gia tổ chức Hội, trên 1.500 hội viên được học nghề và trên 90% hội viên được chuyển giao KHKT, có 35-40% hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi..., các cấp Hội nông dân huyện Yên Mô tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào nông dân và phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, triển khai các mô hình kinh tế, dự án chăn nuôi, chuyển giao KHKT, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị hàng hóa cao, khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã đề ra.
Bài, ảnh: Hồng Vân