Ông Phạm Văn Hanh, Chủ tịch Hội nông dân xã Gia Hưng cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã đã có nhiều mô hình kinh tế gia trại, trang trại quy mô lớn. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp và nông thôn được tăng cường. Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được triển khai rộng rãi.
Sự phát triển trong nông nghiệp thực sự là cơ sở quan trọng, tạo tiền đề để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại.
Trong vụ đông xuân vừa qua, Hội nông dân xã đã chỉ đạo các chi hội tuyên truyền cho hội viên, nông dân về phòng chống rét cho mạ, lúa mới cấy và đàn gia súc, gia cầm, thủy sản, nhất là khắc phục những diện tích lúa đã cấy và mạ chết rét để đảm bảo khung thời vụ.
Đến thời điểm thu hoạch lúa, vận động cán bộ, hội viên nông dân các chi hội có diện tích lúa ngoài đê tích cực, chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên, cán bộ Hội Nông dân xã thu hoạch nhanh, gọn diện tích ngoài đê tránh lũ tiểu mãn. Cuối vụ, tổng sản lượng thu về đạt 1998 tấn lương thực.
Bên cạnh việc ổn định sản xuất lúa, đảm bảo an ninh lương thực, Hội nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, làm mô hình kinh tế cần nguồn vốn lớn trong khi điều kiện kinh tế của các hộ còn nhiều khó khăn.
Phát huy vai trò là cầu nối giúp các hội viên tiếp cận các nguồn hỗ trợ, vốn vay ưu đãi, trong quý 2 vừa qua, Hội đã trao số tiền 380 triệu đồng cho 10 hộ gia đình nuôi dê sinh sản. Đây là khoản vay được Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ.
Đồng thời, Hội nông dân xã Gia Hưng đã chủ động phối hợp với Ngân hàng nông nghiệp &PTNT tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn cho các chi hội về thành lập các tổ liên kết và các chính sách vay vốn Ngân hàng.
Đặc biệt, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dạy Nghề và Hội Nông dân tỉnh khảo sát và hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ mô hình nuôi gà thả vườn cho 3 hộ gia đình tại xóm 4, xóm 5 và xóm 13, với số lượng là 600 con gà và 600 kg cám.
Các hộ được lựa chọn phải đảm bảo điều kiện tự nhiên, địa hình thuận lợi cho nuôi gà thả vườn sinh trưởng và phát triển tốt. Kết quả bước đầu cho thấy, sau 4 tháng nuôi thả, tổng thu nhập của mỗi hộ là trên 33 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho số tiền lãi trên 15 triệu đồng.
Gia đình ông Lê Đình Quang tại xóm 5 là một trong 3 hộ thực hiện mô hình. Khu vườn rộng hơn 1.300 m2 của gia đình ông dùng để đặt các chuồng nuôi giống gà lai chọi (mẹ là gà Lương Phượng, bố là gà lai chọi).
Ông cho biết: Sau quá trình úm, khi được 4 tuần tuổi, gà được thả ra vườn. Do sự thay đổi về môi trường từ nuôi nhốt sang thả vườn, cộng với ảnh hưởng của cơn bão số 2, một lượng nhỏ đã bị thất thoát.
Qua 4 tháng nuôi thả, tổng số gà của gia đình còn hơn 170 con, tức tỷ lệ nuôi sống khá cao. Gà có trọng lượng trung bình khoảng 2 kg, tính theo giá bán ngoài thị trường là 100 nghìn đồng/kg cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Theo ông Quang, việc nuôi gà thả vườn không quá phức tạp nhưng cần lưu ý giai đoạn gà trước 4 tuần tuổi.
Đây là thời điểm gà còn non yếu, cần giữ đủ nhiệt, ăn uống hợp vệ sinh và tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chăn nuôi, thú y phòng bệnh. Quá trình gà được thả ra vườn, cần lưu ý vệ sinh và định kỳ phun tiêu độc khử trùng để gà có môi trường sống tốt nhất.
Đây được đánh giá là mô hình hay, tính khả thi rất cao, khoản đầu tư ban đầu không cao nhưng cho hiệu quả kinh tế khá, vừa góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình lại tận dụng được khoảng không gian rộng tại các vùng nông thôn. Chình vì vậy, mô hình đã thu hút sự quan tâm của hơn 30 hộ tại xã Gia Hưng, hứa hẹn sẽ được nhân rộng trong thời gian không xa.
Bên cạnh đó, Hội nông dân xã Gia Hưng thường xuyên khảo sát, hướng dẫn tiêu chuẩn, bình xét, công nhận hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi theo tiêu chí mới, nhằm tạo động lực, khuyến khích các hộ nông dân phát triển kinh tế, thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn xã có trên 30 hộ đăng ký phấn đấu hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.
Bài, ảnh: Minh Đường